Portrait of Mademoiselle Phuong của họa sĩ Mai Trung Thứ (1906-1980) lập kỷ lục tranh được đấu giá công khai ở Sotheby's, Hong Kong, mở tín hiệu lạc quan cho mỹ thuật trong nước. Đến nay, Việt Nam có một số tác phẩm vào danh sách những bức tranh triệu USD.
Ông Vũ Tuấn Anh - giám đốc Nhà Đấu giá Nghệ thuật Chọn - mong rằng trong tương lai có những tác phẩm triệu USD được gõ búa trong nước. "Tôi muốn mình và các đồng nghiệp sẽ là người gõ búa cho các tác phẩm triệu USD đó", ông nói. Mong ước này được giới hội họa nhận định còn cần nhiều yếu tố để thành hiện thực.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng giá tranh các danh họa Việt khi đấu trên sàn công khai vẫn thấp so với mặt bằng chung của khu vực, do nhiều yếu tố khách quan, hơn là chỉ dựa vào chất lượng tác phẩm. Ông Khôi nhận định: "Một thời, thị trường tranh của chúng ta như một đứa trẻ không được phát triển vậy. Bây giờ, họ biết chạy, mình còn chưa biết đi".
Lịch sử mỹ thuật Việt Nam ảnh hưởng đến giá tranh. Thời gian dài tranh trong nước rơi vào quên lãng, nhất là sau khi Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đóng cửa năm 1945. Tại các triển lãm quốc tế, không có sự xuất hiện của các họa sĩ, tác phẩm Việt nên các nhà sưu tập, giới chuyên môn nước ngoài không biết đến. Những năm 1930, trường này đào tạo ra nhiều tên tuổi nổi tiếng như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân... Tranh của họ mang đậm dấu ấn dân tộc, từng tham gia và được đánh giá cao tại Triển lãm thuộc địa Paris năm 1931, triển lãm ở Roma (1932), Cologne (1933), Milano (1934), Bỉ (1935 - 1937), San Francisco (1937), Nhật (1940)...
Giai đoạn chiến tranh, người Việt chưa có điều kiện kinh tế cũng như nhu cầu thưởng tranh, ngoại trừ một số nhà quý tộc. Vì vậy, trong nước không có nhà sưu tập, hình thành thị trường tranh. Các tác phẩm của họa sĩ thời kỳ này cũng không được bảo quản cẩn thận, thường bị hư hỏng do thời tiết, mất mát do bom đạn. Trong khi đó, nền hội họa một số quốc gia khác liên tục phát triển, sớm hình thành thị trường.
Năm 2010, bức Bali Life của họa sĩ người Indonesia gốc Hoa Lee Man Fong (1913-1988) được Sotheby's đấu giá 25,3 triệu HKD (3,2 triệu USD, hơn 73 tỷ đồng) - lập kỷ lục tranh của họa sĩ Đông Nam Á lúc đó. Năm 2011, bức Tùng bách cao lập đồ - Triện thư tứ ngôn liên của Tề Bạch Thạch (Trung Quốc) được bán với giá 420 triệu nhân dân tệ (64,4 triệu USD, hơn 1,4 nghìn tỷ đồng). Tại Hàn Quốc, bức Vũ trụ của Kim Hwan Gi (1913-1974), được gõ búa ở Hong Kong năm 2019 với giá hơn 100 triệu HKD (12,8 triệu USD, hơn 295 tỷ đồng).
>>> Một số tranh đắt giá của danh họa châu Á
Nạn tranh giả là một trong những lý do các nhà sưu tập, đầu tư ngại chi tiền mua tranh Việt. Theo nhiều người trong giới, bức Chân dung cô Phương cũng là do một nhà sưu tập Việt Nam chi tiền sở hữu chứ không phải là nhà sưu tập nước ngoài.
Họa sĩ Tô Ngọc Thành - con trai Tô Ngọc Vân - nói khi tác phẩm của các danh họa bán được với giá cao, tranh giả xuất hiện nhan nhản. "Nhà đấu giá chẳng biết đâu mà lần, người mua tranh thiếu niềm tin, ngại chi tiền. Không ai muốn bỏ tiền ra mua một tác phẩm mà không biết đó là thật hay giả. Điều này làm cho thị trường chết dần, chết mòn", ông Thành nói.
* Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM xin lỗi vì triển lãm tranh giả
Năm 2016, Christie’s bán bức Thuyền trên sông Hương của Tô Ngọc Vân với giá 57.000 USD và Lady of Hue của Lê Văn Đệ với giá 89.000 USD. Tuy nhiên, Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội cũng treo hai bức tranh giống hệt. Phía bảo tàng nói họ mua bức của Tô Ngọc Vân năm 1965 và bức của Lê Văn Đệ năm 1976. Ông Tô Ngọc Thành cho biết hai bức tranh trên được sao chép nhiều lần, rất khó để có thể xác định bức nào là nguyên mẫu.
Tháng 9/2019, Sotheby’s Hong Kong rút hai bức Lá thư (Tô Ngọc Vân) và Hai cô gái (Trần Văn Cẩn) khỏi phiên đấu giá vì bị cho là tranh giả. Bức Family Life (Đời sống gia đình) của Lê Phổ cũng bị giới chuyên môn nghi là tranh giả dù bán với giá 1,1 triệu USD.
Ông Ngô Kim Khôi cho rằng đa số tranh giả là do người Việt hại nhau. Họa sĩ Việt chép, giả mạo tranh của danh họa thời kỳ Đông Dương rồi đưa vào các phòng tranh bên Pháp. Các nhà sưu tập tưởng tranh ở Pháp đã được kiểm chứng nên mua về. Ngoài ra, mối quan hệ giữa các phòng tranh, người chép tranh, môi giới rất phức tạp. Nhiều đơn vị biết là tranh giả nhưng vì lợi nhuận vẫn tung ra thị trường. "Hồi tranh Bùi Xuân Phái được mua cả nghìn USD, tranh giả rất nhiều. Người ta mỉa mai cay đắng rằng tranh của Bùi Xuân Phái khi ấy vẽ còn nhiều hơn lúc ông còn sống", ông Khôi cho biết.
Giá tranh cao - thấp còn phụ thuộc phần lớn vào các nhà sưu tập, đầu tư, theo nhà nghiên cứu Phạm Long. Ông nhận định người Việt chưa chuộng nghệ thuật. Những người có tiềm lực kinh tế thường đầu tư vào đất đai, những cái sinh lời nhanh. Vài năm trở lại đây, họ mới quan tâm đến tranh của các danh họa Việt Nam nên chưa thể đẩy giá lên nhanh được.
Trong khi đó, ở các nước như Trung Quốc, Indonesia... trình độ thẩm mỹ, thói quen chơi tranh, sưu tầm nghệ thuật có bề dày hơn, giúp thị trường sôi nổi, kích thích giá tác phẩm cao. Các nhà sưu tập, tỷ phú tích cực mua tranh của họa sĩ trong nước, lập bảo tàng tư nhân. Tại Indonesia, đa phần bảo tàng thuộc sở hữu tư nhân. Viện Bảo tàng OHD tại Java do Oei Hong Djin - ông trùm ngành thuốc lá Indonesia - thành lập, trưng bày khoảng hơn 2.000 tác phẩm nghệ thuật đương đại và hiện đại của các nghệ sĩ Indonesia. Bảo tàng Yuz ở Jakartar do tỷ phú nông nghiệp Budi Tek thành lập. Ở Trung Quốc, Bảo tàng Nghệ thuật He Jing Yuan (Bắc Kinh) thuộc sở hữu của đại gia Li Bing, Bảo tàng Aurora (Thượng Hải) do đại gia điện tử Chen Yung Tai thành lập... Một phần ba bảo tàng ở Singapore do các nhà sưu tập, tỷ phú lập ra.
Các nhà nghiên cứu cho rằng khi nhìn thấy lợi ích về kinh tế, các nhà sưu tầm, đầu tư sẽ chịu chi tiền hơn. Các lĩnh vực liên quan như: đấu giá, thẩm định, quản lý tranh theo đó cũng dần phát triển, trở nên chuyên nghiệp. Từ đó, thị trường tranh Việt Nam sẽ sôi động, thu hút giới đầu tư trong và ngoài nước.
Hiểu Nhân