Bức "Portrait of Mademoiselle Phuong" (Chân dung cô Phương) của Mai Trung Thứ trở thành tác phẩm hội họa đắt nhất của mỹ thuật Việt khi đạt 3,1 triệu USD trong phiên đấu giá tại Hong Kong hôm 18/4. Tác phẩm gói gọn tình cảm của danh họa dành cho Phương - một phụ nữ Hà Nội, được cho là người tình của ông. Tranh sơn dầu được vẽ năm 1930, kích thước 135,5 x 80cm, khi ông đang là giáo viên dạy vẽ tại trường Lycée Francais de Hue (Trung học Pháp tại Huế). Mai Trung Thứ là họa sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Ông tốt nghiệp khóa đầu tiên của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1930). Phần lớn cuộc đời ông sống và hoạt động nghệ thuật tại Pháp. Ông cùng Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Lê Phổ được mệnh danh "tứ kiệt trời Âu" của nền hội họa Việt Nam (Phổ - Thứ - Lựu - Đàm). Ảnh: Sotheby. Tác phẩm "Bali Life" của họa sĩ người Indonesia gốc Hoa Lee Man Fong được Sotheby's đấu giá 25,3 triệu HKD (3,2 triệu USD) năm 2010 - lập kỷ lục tranh của họa sĩ Đông Nam Á bấy giờ. Lee Man Fong (1913-1988) sinh ra ở Quảng Châu, Trung Quốc, sau đó chuyển đến sống ở Jakarta, Indonesia. Thời trẻ, ông làm việc cho một công ty in Hà Lan. Các tác phẩm của ông được đưa vào các cuộc triển lãm tranh do Hiệp hội Đông Ấn Hà Lan tổ chức tại Batavia ở Jakarta, các sự kiện vốn thường chỉ trưng bày tác phẩm của nghệ sĩ Hà Lan da trắng. Năm 1949, Fong nhận được học bổng Malino do lãnh đạo Đông Ấn Hà Lan Hubertus van Mook giới thiệu sang học hội họa ở Hà Lan trong ba năm, điều này ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp và sự phát triển thẩm mỹ của ông. Ngày nay, các tác phẩm của Fong nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Oei Hong Djien ở Magelang, Indonesia và Phòng trưng bày Quốc gia Singapore. Ảnh: Sotheby. Năm 2011, bức "Tùng bách cao lập đồ - Triện thư tứ ngôn liên" của Tề Bạch Thạch được bán với giá 420 triệu nhân dân tệ (64,4 triệu USD) trong phiên đấu giá tranh thư pháp mùa xuân của Gia Đức. Tác phẩm hội họa, thư pháp được ông sáng tác năm 1946, dài 266 cm, rộng 100 cm, lấy cây tùng và chim ưng làm chủ đề. Câu đối chữ triện viết trên tác phẩm là "Nhân sinh trường thọ - Thiên hạ thái bình". Tề Bạch Thạch (1864 - 1957), quê Hồ Nam, là danh họa hàng đầu Trung Quốc. Năm 1949, ông được phong làm giáo sư danh dự của Học viện nghệ thuật Bắc Kinh. Năm 1953, ông được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Hội họa Trung Quốc. Năm 1955, ông được công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. Ảnh: SCMP. Trong phiên đấu giá "Họa sĩ Á châu - Họa sĩ đương đại Trung Quốc - Tranh thế kỷ 19 - Ấn tượng và hiện đại" do Aguttes tổ chức tháng 10/2018, tranh lụa "Thiếu nữ cầm quạt" (Tonkinoise à l’éventail) của Nam Sơn được gõ búa với giá 440.000 Euro (gần 12 tỷ đồng). Đây là số tiền lớn nhất cho một tác phẩm của họa sĩ Nam Sơn từ trước đến nay trên thị trường tranh thế giới. Nam Sơn tên thật là Nguyễn Vạn Thọ (1890 - 1973), là một trong những họa sĩ đầu tiên của nền hội họa đương đại Việt Nam. Ông từng theo học Mỹ thuật Quốc gia Paris. Ông đồng sáng lập Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đồng thời giảng dạy môn Đồ họa và trang trí. Ảnh: Aguttes. Bức "Cửu Châu vô sự lạc canh vân" của Từ Bi Hồng được bán ở mức 266,8 triệu nhân dân tệ (40,9 triệu USD) tại phiên đấu giá của Poly ở Bắc Kinh năm 2011. Tác phẩm được sáng tác năm 1951 trên chất liệu mực và màu trên giấy, kích thước 150 x 250 cm. Cùng Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng là danh họa của Trung Quốc thế kỷ 20. Ông từng theo học Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Tác phẩm của ông chủ yếu về đề tài ngựa, người Trung Quốc với nét vẽ phóng khoáng bằng màu mực nho. Ảnh: Poly. "Reclining Nude with Toile de Jouy" được bán với giá 1,2 triệu USD tại Christie ở New York năm 2013. Tác phẩm ra đời năm 1922, là một trong những tranh khỏa thân đầu tiên của Foujita dùng người mẫu thật. Tsuguharu Foujita (1886 - 1968), nổi tiếng trong lĩnh vực tranh khắc, tranh mực. Ông còn được mệnh danh là họa sĩ vẽ mèo đẹp nhất thế giới. Năm 1910, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và Âm nhạc Quốc gia Tokyo, ông sang Pháp và theo học trường Mỹ thuật Quốc gia Paris. Ông vẽ một loạt tranh khỏa thân với người mẫu thật, thể loại gần như không tồn tại trong hội họa Nhật Bản khi đó. Ảnh: Christie. >>> Trở về trang đầuLý do tranh 'Chân dung cô Phương' có giá 3,1 triệu USD Những bức tranh triệu USD của mỹ thuật Việt Tranh 'Chân dung cô Phương' đạt kỷ lục 3,1 triệu USD