Tại phiên đấu "Beyond Legends: Modern Art Evening Sale" ở Sotheby's ở Hong Kong, chiều 18/4, một nhà sưu tập đã sở hữu Portrait of Mademoiselle Phuong (Chân dung cô Phương) với giá cao nhất từ trước đến nay dành cho tác phẩm của họa sĩ Việt Nam.
Ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Nhà Đấu giá Nghệ thuật Chọn - cho rằng: "Một bức tranh đẹp của tác giả hàng đầu gắn liền với lịch sử mỹ thuật, được nhà đấu giá danh tiếng thế giới đấu giá thì con số 3,1 triệu USD là hoàn toàn bình thường, phù hợp quy luật thị trường". Ông nhận định giá tranh của Việt Nam hiện nay thậm chí vẫn rẻ hơn một số nước ở châu Á. Một số họa sĩ đương đại của Indonesia hay Hàn Quốc đã có tác phẩm đạt giá vài triệu đến vài chục triệu USD.
Chất lượng nghệ thuật là yếu tố quyết định giá trị tác phẩm. Sotheby’s nhận xét bức tranh hoành tráng, dịu dàng, gần gũi. Tác phẩm gói gọn tình cảm của Mai Trung Thứ dành cho cô Phương - một phụ nữ Hà Nội, được cho là người tình của ông. Trong suốt sự nghiệp, Mai Trung Thứ dành tâm sức cho tranh lụa, vì thế nhà đấu giá xem Chân dung cô Phương là kiệt tác hiếm hoi của ông ở mảng tranh sơn dầu.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi ví Chân dung cô Phương là Mona Lisa của Việt Nam. Ông lần đầu nhìn thấy tác phẩm cách đây 30 năm, tại gia đình bà Dothi Dumonteil - hàng xóm của ông - tại Paris, Pháp. Dothi tên thật là Đỗ Thị Tuyết, người Pháp gốc Việt. Chồng bà là Pierre Dumonteil - nhà sưu tập nghệ thuật, sở hữu nhiều tác phẩm của các danh họa Việt. Khi đó, Ngô Kim Khôi không nghĩ sẽ có ngày tác phẩm được trả giá tới hàng triệu USD.
Theo ông, họa sĩ sử dụng gam màu nhẹ nhàng, khắc họa hình tượng thiếu nữ đẹp thuần khiết, trong trắng, đi thẳng vào lòng người. Khi thưởng tranh, ông tưởng như cô Phương đang nhìn mình đắm đuối và có nhiều điều muốn tâm tình. Ông liên tưởng tới hai câu thơ của Đinh Hùng: "Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng/ Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại...". Nhà nghiên cứu cho rằng tác phẩm khắc họa rõ nét hình ảnh người thiếu nữ Việt Nam: từ tà áo dài, cách vấn khăn, kiềng cho đến gương mặt và dáng ngồi. "Tranh thời Đông Dương vẽ thiếu nữ mặc áo dài luôn có giá trị hơn các đề tài khác", ông nói.
Nhà nghiên cứu Phạm Long cho biết tác phẩm được vẽ khi Mai Trung Thứ vừa tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bức tranh thể hiện được tài năng và phong cách nghệ thuật của ông. Họa sĩ sử dụng gam màu mát dịu, bố cục hình tam giác cân mang đến sự yên bình, tự tại cho khung cảnh và nhân vật. "Đây là tác phẩm đẹp và hiếm hoi trong thời kỳ đầu của Mai Trung Thứ. Bức tranh có giá trị sưu tập hơn là giá trị đầu cơ", ông nói.
Tên tuổi của Mai Trung Thứ góp phần làm nên giá trị bức tranh. Họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1930). Khi trả lời phỏng vấn đài RFI của Pháp, Lê Phổ từng nhận xét Mai Trung Thứ là người vẽ đẹp nhất khóa của ông. Họa sĩ được mệnh danh là một trong "tứ kiệt trời Âu" của nền hội họa Việt Nam: Phổ - Thứ - Lựu - Đàm (Lê Phổ - Mai Trung Thứ - Vũ Cao Đàm - Lê Thị Lựu). Phần lớn cuộc đời ông sống và hoạt động nghệ thuật tại Pháp. Theo Ngô Kim Khôi, môi trường sống giúp Mai Trung Thứ tự do sáng tạo, phát huy được tài năng.
Tranh của ông từng được trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới như Roma (1932), Milan và Naples (1934), Brussels (1936), San Francisco (1937)... Năm 1964, ông tổ chức triển lãm Les enfants de Mai Thu tại Pháp, được giới chuyên môn chú ý. Nhiều nhà xuất bản đã mua bản quyền để in thiệp và tranh.
Trước đây, tác phẩm của Mai Trung Thứ nhiều lần được trả giá cao như: Tiệc trà có giá 815.500 HKD (khoảng 2,2 tỷ đồng), Người phụ nữ nhìn qua ban công lên tới 600.000 HKD (hơn 1,7 tỷ đồng), Bên ông đạt giá 235.832€ (khoảng 6,3 tỷ đồng)...
Nhu cầu mua bán, sưu tập tranh của các họa sĩ thời kỳ Đông Dương tăng cao góp phần thúc đẩy giá. Ông Ngô Kim Khôi nhận định. "Mỹ thuật Việt Nam ngày càng có giá trị. Nhưng chắc chắn rằng giá cao chỉ có được từ những tác phẩm của các danh họa bước ra từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương".
Theo ông Vũ Tuấn Anh, tác phẩm được định giá cao vì nhiều lý do. Các tác giả là lứa đầu tiên bước ra từ cái nôi đào tạo họa sĩ của cả Đông Dương, được giới chuyên môn trong và ngoài nước tôn vinh. Những năm 1930, một số họa sĩ đã tổ chức triển lãm tại Pháp, gây tiếng vang lớn. Họ đại diện cho một thời kỳ lịch sử đầy biến động của Việt Nam cũng như thế giới, khiến tác phẩm của họ còn được xem như chứng nhân lịch sử.
Ông Tuấn Anh nói: "Qua thời gian, số lượng tranh của các họa sĩ Đông Dương ngày càng hiếm trên thị trường. Chúng đắt giá bởi yếu tố đào tạo của người Pháp, tính lịch sử, các tác phẩm chứa đựng câu chuyện thời cuộc. Quan trọng hơn là thị trường đấu giá thế giới như Sotheby, Christie... liên tiếp đẩy giá cao trong các phiên gần đây nên nhu cầu săn lùng tranh ngày càng tăng".
Trước ý kiến "tranh giá cao là chiêu thức kinh doanh trong đấu giá", các chuyên gia cho rằng hiện tượng này bình thường. Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho rằng: "Khi xuống một món tiền, các nhà sưu tập, đầu tư phải biết họ có lấy lại được không. Tranh nếu không đẹp, không có giá trị thì có đẩy cũng không lên được. Không ai mua một bức tranh không đẹp cả. Giá trị kinh tế làm cho giá trị thẩm mỹ của bức tranh cao lên".
Trước đây, thị trường Việt Nam xuất hiện nhiều tranh giả, nên các nhà sưu tập, đầu tư không dám bỏ ra khoản tiền lớn để mua. Hiện nay, tranh giả dần được bài trừ. Họ cũng có đội ngũ cố vấn chuyên môn cao. Điều này làm cho thị trường tranh sôi động hơn.
Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết theo một số nguồn tin chủ sở hữu Chân dung cô Phương hiện tại là người Việt Nam. "Đây là dấu hiệu đáng mừng. Cuối cùng, tất cả gì hay nhất, cho dù lưu lạc ở đâu vẫn về với Việt Nam, không chỉ là tranh mà cả đồ cổ". Theo anh, nhiều tác phẩm thời kỳ này thuộc sở hữu của các nhà sưu tập nước ngoài. Trước năm 1945, người Việt chưa có điều kiện kinh tế cũng như nhu cầu thưởng tranh, ngoại trừ một số nhà quý tộc. Vì vậy, tranh của các họa sĩ chủ yếu do người Pháp ở Đông Dương mua. Một số tác giả sống hoặc tổ chức triển lãm tại Pháp, nên tranh được các nhà sưu tập ở đây cất giữ.
Hoạt động trong lĩnh vực đấu giá, ông Vũ Tuấn Anh tin rằng những thương vụ đấu giá tranh triệu USD không chỉ xuất hiện trên thế giới mà trong tương lai sẽ có những tác phẩm triệu USD được gõ búa trong nước. "Tôi muốn mình và các đồng nghiệp sẽ là người gõ búa cho các tác phẩm triệu USD đó", ông nói.
Hiểu Nhân