Ngày 6/1, Quốc hội thảo về một luật sửa 8 luật, trong đó sửa quy định tại Luật Điện lực, cho phép tư nhân tham gia đầu tư vào lưới truyền tải điện.
Năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) phát triển nhanh trong ba năm qua, thu hút lượng lớn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này. Hiện đã có khoảng 27.000 MW điện từ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng công suất nguồn đặt của hệ thống điện quốc gia.
Tuy nhiên, việc phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo lại không đồng bộ với lưới truyền tải điện, nên khi dự án năng lượng tái tạo đầu tư xong, không giải phóng được hết công suất, không bán được điện, gây lãng phí nguồn lực.
"Nhiều nhà đầu tư đứng trên bờ vực phá sản vì họ đầu tư xong, vay vốn ngân hàng rồi không bán được điện, không có nguồn thu trả nợ", ông Trần Văn Khải, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, nói khi đề cập sự cần thiết phải sửa Luật Điện lực.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng cần sửa các điều, khoản về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp đầu tư lưới truyền tải.
Ông Khải phân tích, nếu không có quy định cụ thể về quyền đấu nối, các nhà đầu tư tư nhân được giao "độc quyền tự nhiên" lưới điện truyền tải, điều này gây khó khăn cho các nhà đầu tư nhỏ khác muốn đấu nối. "Có trường hợp nhà đầu tư nhỏ sẽ phải tự thoả thuận, tự bỏ chi phí rất lớn (có thể lên đến hàng chục tỷ) mới được đơn vị tư nhân sở hữu lưới điện truyền tải cho đấu nối", ông nói.

Ông Trần Văn Khải, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ngày 6/1. Ảnh: Hoài Thu
Trả lời thêm bên lề hành lang Quốc hội, ông Khải xác nhận, khi trực tiếp đi thẩm tra, giám sát có gặp trường hợp này nhưng "không tiện nêu tên nhà đầu tư". Ông đề nghị quy định pháp luật cần đưa ra cơ chế để nhà đầu tư có quyền tiếp cận đấu nối, đảm bảo tính bình đẳng giữa các nhà đầu tư và cơ quan điện lực.
Góp ý về việc vận hành lưới điện truyền tải, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế trung ương, cho rằng hiện chưa rõ việc vận hành lưới điện do tư nhân đầu tư và lưới điện do Nhà nước quản lý sẽ ra sao.
"Quy định không rõ ràng sẽ rất dễ xảy ra xung đột, vận hành cục bộ, không thông suốt hệ thống lưới truyền tải, ảnh hưởng tới đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện", ông Tuấn Anh lo ngại.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường cũng đồng tình, nếu chỉ sửa một điều luật để thu hút vốn đầu tư tư nhân vào hạ tầng điện, mà không quan tâm tới vận hành an toàn lưới điện quốc gia thì "giải quyết được chỗ này, lại nảy sinh nút thắt khác".
Vì thế, các đại biểu kiến nghị Chính phủ cần nêu khái niệm, quy định để thấy rõ vai trò của Nhà nước trong vận hành hệ thống điện.
Giải trình trước những băn khoăn này, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc sửa đổi lần này sẽ chỉ cho phép nhà đầu tư tư nhân vào hệ thống đường dây, trạm biến áp từ 220 kV trở xuống. Với các trạm biến áp 220 kV ở những vùng trọng điểm, trọng yếu về kinh tế, quốc phòng an ninh và hệ thống truyền tải cao áp, siêu cao áp 500 kV vẫn do Nhà nước đầu tư.
"Nhà nước hay tư nhân đầu tư thì vẫn phải tuân thủ các quy định về đầu tư, xây dựng, điều độ vận hành hệ thống điện theo tiêu chuẩn an toàn. Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ là cơ quan quy định tiêu chuẩn đó", ông nói.
Liên quan đến quyền đấu nối, ông cho biết, các nhà đầu tư lưới điện phải đạt các tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn, quy định của ngành điện. Còn vấn đề vận hành, điều độ hệ thống điện, Bộ trưởng Công Thương khẳng định, Nhà nước vẫn sẽ vận hành để đảm bảo cân đối giữa các vùng miền, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia.
Phí, giá truyền tải điện đang rất thấp. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ, nhà đầu tư khi bỏ tiền thường quan tâm tới lợi nhuận, trong khi giá điện truyền tải hiện nay rất thấp so với giá bán điện bình quân, nên sẽ khó thu hút được nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.
Còn ông Trần Văn Khải thì cho rằng, khi tư nhân bỏ tiền đầu tư hệ thống truyền tải điện thì chi phí xây dựng sẽ được tính vào giá bán cho người tiêu dùng. Việc này sẽ ảnh hưởng lớn tới khách hàng dùng điện. Ông Khải đề nghị, Chính phủ cần sửa các quy định liên quan về giá, chi phí truyền tải, bởi nếu không sẽ tạo ra hệ luỵ không kiểm soát được.
Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, giá là theo quy định của Chính phủ cho ngành điện, nên doanh nghiệp tham gia cũng áp dụng giá theo đó. Quy định hiện nay là biên lợi nhuận trong truyền tải điện chỉ được phép trong khoảng 3%, nên Nhà nước hay tư nhân đầu tư cũng đều trong giới hạn lợi nhuận này.
Dù thế, nếu mở cho tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải, ông Diên tin, vẫn sẽ có nhiều đơn vị muốn tham gia vì lợi ích của chính họ. "Nhà đầu tư tư nhân tham gia làm đường dây truyền tải điện sẽ giúp giải toả hết công suất dự án của họ, và khai thác được tiềm năng, thế mạnh của các vùng", ông nói.
Trong khi đó, Nhà nước cần huy động nguồn lực đáng kể của xã hội để đầu tư hệ thống và vào khai thác nguồn tiềm năng để phát triển điện và điện để phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Hiện thiếu quy định hướng dẫn về bàn giao tài sản lưới điện cho Nhà nước sau khi nhà đầu tư tư nhân hoàn thành xong công trình hạ tầng. Điều này được Trưởng ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh ví như "mâm cỗ có đầy đủ mọi thứ nhưng lại không ăn được".
Ông đề nghị, Chính phủ cần bổ sung các quy định, tiêu chí, định mức kỹ thuật... để hướng dẫn nghiệm thu, công nhận và bàn giao tài sản hạ tầng lưới điện. Điều này sẽ đảm bảo được tinh thần Nghị quyết 55, khai thác tối đa nguồn lực xã hội trong nâng cấp hệ thống truyền tải điện, đảm bảo an ninh hệ thống và vận hành thông suốt.
Lo lắng khác được các đại biểu nêu là vấn đề an ninh quốc phòng khi mở cho tư nhân làm hạ tầng truyền tải. Đại biểu Trịnh Xuân An, Uỷ viên Uỷ ban Quốc phòng an ninh (Đồng Nai) cho biết, hiện dự thảo luật sửa đổi nêu chung chung, chưa rõ yếu tố an ninh quốc phòng sẽ được đảm bảo ra sao nếu nhà đầu tư tư nhân rót vốn làm đường dây truyền tải điện.
"Tư nhân thì có doanh nghiệp cổ phần, nước ngoài nên các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về an ninh quốc phòng cần được bổ sung chặt chẽ nếu giao nhà đầu tư tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện", ông An lưu ý.
Ở điểm này, ông Trần Văn Khải cũng cho rằng, sửa luật cần phân quyền cho nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực truyền tải điện, trong đó lưu ý đảm bảo quản lý vận hành, để không ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng.
"Với những đường dây truyền tải nội bộ của dự án, cần khuyến khích để nhà đầu tư tự quản lý, vận hành. Còn nếu là đường truyền tải điện liên vùng, liên tỉnh thì cần kiểm soát và tốt nhất là Nhà nước nên độc quyền", ông Khải nói.
Anh Minh