Ở giai đoạn phát triển sau năm 2030, việc xây dựng mới các đường dây truyền tải liên miền sẽ "hạn chế" và đảm bảo dự phòng ở mức hợp lý, nhất là tại khu vực miền Bắc.
Thông tin này được ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nêu tại toạ đàm Tháo gỡ điểm nghẽn phát triển năng lượng tái tạo, ngày 22/12.
Bản quy hoạch điện VIII sau nhiều chỉnh sửa, đang được Bộ Công Thương hoàn thiện, cập nhật và hiệu chỉnh lại các dữ liệu trên cơ sở đánh giá lại tình hình tăng trưởng phụ tải.
Ông Tuấn Anh cho biết, các đánh giá về phát triển nguồn điện vừa qua trong quá trình cập nhật, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (quy hoạch điện VIII) cho thấy, phát triển nguồn điện chưa phù hợp với sự phân bố, tăng trưởng phụ tải theo vùng miền.
Chẳng hạn, 5 năm qua (2016-2020), phụ tải ở khu vực miền Bắc tăng 9% mỗi năm, nhưng nguồn điện chỉ tăng 4,7% một năm. Trong khi đó, miền Trung và miền Nam tăng trưởng phụ tải chỉ 5-7% một năm, còn nguồn điện tăng trưởng gấp 3 mức tăng phụ tải (16-21% một năm). Mức tăng nguồn ấn tượng tại khu vực miền Trung, miền Nam có sự "góp sức" của năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).
Điều này dẫn tới chênh lệch công suất đặt và công suất đỉnh tại các vùng miền, như tại miền Trung tỷ lệ chênh lệch lên tới 230%, còn miền Nam là 87%.
"Nhu cầu phụ tải giảm do Covid-19 và việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo tại miền Trung và Nam trong khi miền Bắc 1 số thời điểm thiếu nguồn, dẫn tới phải truyền tải từ Nam và miền Trung ra Bắc. Việc này khiến đường dây 500 kV Bắc - Nam trong một số thời điểm bị nghẽn", Phó cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo thông tin.
Về cơ cấu nguồn điện, theo Phó cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo, tỷ trọng điện than sẽ giảm, còn năng lượng tái tạo sẽ tăng mạnh từ sau năm 2030.
Đơn cử, đến năm 2030 tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo là 24% tổng công suất hệ thống, tương đương 38 GW. Trong đó, điện gió là 21 GW (gồm 5 GW điện gió ngoài khơi) và điện mặt trời là 16,5 GW.
Giai đoạn 2031-2045, năng lượng tái tạo sẽ đạt 156 GW và chiếm tỷ lệ 45% hệ thống nguồn điện vào 2045.
"Tính toán cơ cấu nguồn theo hướng phát triển mạnh điện gió, mặt trời, tăng điện khí sẽ đảm bảo an ninh năng lượng, nhưng vẫn đảm bảo các ràng buộc không tăng về chi phí đầu tư, giá điện", ông Tuấn Anh chia sẻ.
Theo các phương án Bộ Công Thương đang đưa ra, năm 2030, tổng vốn đầu tư nguồn điện sẽ giảm khoảng 30 tỷ USD so với phương án đưa ra hồi tháng 3 năm nay. Còn đến năm 2045, tổng vốn đầu tư giảm khoảng 4,2 tỷ USD.
Thừa nhận "bài toán quy hoạch nguồn điện trong dự thảo quy hoạch điện VIII hiện có nhiều thách thức", ông Tuấn Anh nói Bộ Công Thương đã rà soát, điều chỉnh lại phát triển nguồn điện tại dự thảo quy hoạch điện VIII trên cơ sở giảm nguồn điện than, tăng điện khí (nhất là khí LNG) và tăng khả năng hấp thụ của nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện gió.
Ở bản cập nhật mới nhất vào tháng 12 của dự thảo quy hoạch điện VIII, do nhu cầu phụ tải điện thay đổi nên tới năm 2030, tổng cơ cấu nguồn điện sẽ giảm hơn 11 tỷ kWh so với quy hoạch điện VII điều chỉnh. Cùng đó, dự thảo quy hoạch điện bỏ nguồn điện mặt trời ra khỏi dự phòng công suất quốc gia, nhưng vẫn đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Theo tính toán thì đến năm 2030 dự phòng công suất toàn hệ thống điện tăng lên 46,5% và giảm về 45,1% vào năm 2045. Riêng tại miền Bắc, độ dự phòng công suất khá thấp, năm 2030 là hơn 18% và năm 2045 tăng lên 25%.
Anh Minh