Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết tất cả biện pháp hạn chế Covid-19 mang tính pháp lý sẽ hoàn hoàn kết thúc vào ngày 19/7, theo đó người dân có thể tự quyết định việc duy trì giãn cách xã hội và đeo khẩu trang dù ở trên tàu điện ngầm, trong quán rượu hay các câu lạc bộ đêm có đầy người chưa tiêm chủng.
Đây là canh bạc lớn đối với ghế Thủ tướng của Johnson. Nước Anh, vùng dịch lớn thứ 7 thế giới, ngày 13/7 ghi nhận thêm 50 người chết vì Covid-19, cao nhất kể từ ngày 9/4. Quốc gia này ngày thứ 7 liên tiếp báo cáo số ca nhiễm mới hàng ngày vượt 30.000, nâng tổng số ca nhiễm lên gần 5,2 triệu, trong đó hơn 128.000 người đã tử vong kể từ khi dịch bùng phát.
Tại buổi họp báo xác nhận lộ trình mở cửa, Thủ tướng Anh và các cố vấn khoa học đã sử dụng thuật ngữ mới "đợt sóng lùi", để nói rằng đây có thể là đợt gia tăng số ca Covid-19 cuối cùng. Ý tưởng của Anh là họ sẽ đương đầu với làn sóng ca nhiễm gia tăng vào mùa hè, thay vì mùa đông khi cúm mùa trở lại và gây áp lực lớn hơn cho hệ thống y tế.
"Nếu không phải bây giờ, sẽ là bao giờ?", Johnson nói.
"Thả cửa" Covid-19 và đạt mức miễn dịch cộng đồng sớm còn hơn muộn là cách tiếp cận mà Anh từng xem xét ngay từ khi dịch bắt đầu tấn công quốc gia này vào tháng 3 năm ngoái, trước khi vaccine được phát triển thành công. Tuy nhiên, London sau đó phải từ bỏ chính sách này, sau khi số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh.
Báo giới Anh gọi canh bạc của Johnson là "vụ nổ lớn" trong nỗ lực mở cửa đất nước. Nhưng điều gì sẽ xảy ra trong "đợt sóng cuối"? Đó là điều không ai biết.
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid nói Anh có thể phải chuẩn bị cho kịch bản 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, gấp ba lần hiện tại, nhưng số ca bệnh nặng sẽ thấp hơn rất nhiều những đợt bùng phát trước, bởi vaccine hiệu quả trong việc bảo vệ những người lớn tuổi và dễ tổn thương.
Javid, cựu bộ trưởng tài chính Anh, cho rằng nền kinh tế cần mở cửa trở lại hoàn toàn và những biện pháp hạn chế dai dẳng sẽ làm tổn hại việc học tập của trẻ em, cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của người dân.
Nhưng ngay cả khi tiến hành một trong những chiến dịch tiêm chủng tốt nhất thế giới, Anh vẫn còn 1/3 trong số 67 triệu dân có thể nhiễm nCoV do chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc có miễn dịch tự nhiên. Đây là một lỗ hổng lớn mà Covid-19 có thể khai thác, đặc biệt là đối với một biến chủng dễ lây nhiễm và được đánh giá "khôn ngoan" như Delta.
Giới khoa học Anh nói họ chưa thực sự chắc chắn về những gì có thể xảy ra, bởi không biết công chúng sẽ hành xử thế nào sau "ngày tự do" 19/7. Ca nhiễm chắc chắn sẽ tăng, nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo chính phủ không thể biết liệu làn sóng gia tăng này sẽ diễn ra từ từ hay đột ngột. Họ đang theo dõi chặt chẽ việc đi lại hàng ngày của người dân thông qua dữ liệu Google, camera hành trình trong các trung tâm giao thông và khảo sát.
Hành vi của công chúng sẽ là "biến số" lớn nhất. Matt Keeling, giáo sư về dân số và dịch bệnh tại Đại học Warwick, tự hỏi từ ngày 19/7, liệu mọi người có "điên cuồng tiệc tùng" hay sẽ chọn từ từ nới lỏng biện pháp hạn chế, đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc.
"Công chúng sẽ là người quyết định liệu chúng tôi sẽ đối mặt với làn sóng mới theo đường thẳng đứng hay bằng phẳng", ông nói.
Annie Cori, giảng viên về mô hình hóa bệnh truyền nhiễm tại trường Imperial College London, nói rằng đây vẫn là "ẩn số". "Tới nay, chúng ta đã không sống trong một thế giới mà không quốc gia nào là không áp biện pháp hạn chế suốt 18 tháng qua. Thế nhưng giờ đây chúng ta vẫn có một chủng virus dễ lây nhiễm hơn", bà nói.
Các nhà khoa học về mô hình hóa Covid-19 đã nghĩ tới "những kịch bản có thể dẫn tới số lượng ca nhiễm rất cao", theo Cori.
Công chúng Anh cũng có quan điểm trái ngược về việc liệu có nên tiếp tục biện pháp hạn chế mang tính ràng buộc pháp lý hay không. Một khảo sát của Opinium chỉ ra 50% người được hỏi nói "ngày tự do" nên được hoãn lại, trong khi 3/4 tin rằng nên tiếp tục đeo khẩu trang khi tham gia giao thông công cộng.
Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, kêu gọi các nước như Anh không vội vàng dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để "tránh mất đi những thành quả đã đạt được". Scotland dự định nới thêm hạn chế vào ngày 19/7, nhưng giữ "các biện pháp phòng ngừa hợp lý" bằng cách bắt buộc đeo khẩu trang.
Đối phó với "đợt sóng lùi" không phải là thách thức của riêng Anh. Với số ca nhiễm tăng mạnh trở lại ở Hà Lan sau khi dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế, Thủ tướng Mark Rutte đã phải lên tiếng xin lỗi người dân vì "đánh giá sai lầm" về khả năng mở cửa.
Số ca nhiễm mới của Hà Lan đã tăng 400% trong hai tuần qua. Tây Ban Nha và Hy Lạp tăng hơn 200%. Đan Mạch và Anh tăng hơn 100%, trong khi Bồ Đào Nha và Bỉ tăng gần gấp đôi. Tất cả quốc gia này đều có các chiến dịch tiêm chủng tương đối thành công.
Trong bài viết trên tạp chí khoa học Lancet, Deepti Gurdasani của Đại học Queen Mary London và đồng nghiệp gọi quyết định mở cửa hoàn toàn của Thủ tướng Johnson là "quá sớm và nguy hiểm", đồng thời nhấn mạnh lo ngại nhiều người phải chịu đựng Covid-19 lâu dài.
Nhưng Neil Ferguson, nhà dịch tễ học hàng đầu, cho rằng kế hoạch của Thủ tướng Anh chỉ là "canh bạc nhỏ". "Đây là một thử nghiệm nhỏ vào lúc này và tôi nghĩ là chính đáng. Tôi lạc quan một cách có cơ sở, nhưng cho rằng các chính sách phải linh hoạt", ông nói.
Ferguson thêm rằng không giống các đợt bùng phát trước, với sự bảo vệ của vaccine và thực tế số ca nhiễm phần lớn là người trẻ, 50.000 ca nhiễm mới sẽ chỉ dẫn tới khoảng 50 ca tử vong. Giới chức Anh chưa từng đưa ra tỷ lệ tử vong có thể chấp nhận được, thay vào đó họ xem việc bảo vệ hệ thống y tế quốc gia khỏi nguy cơ quá tải là mục tiêu hàng đầu.
Graham Medley, giáo sư về mô hình bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết ông chưa từng nghe về khái niệm "đợt sóng lùi" cho tới khi Thủ tướng Anh sử dụng nó.
Medley cho rằng cách gọi này chỉ là thuật ngữ "tô hồng" cho một làn sóng bùng phát mới. Ông nói đại dịch ở Anh sẽ chậm lại khi có đủ số người đạt khả năng miễn dịch, có thể do tiêm chủng hoặc từng nhiễm bệnh trước đó. "Gọi nó là đợt sóng lùi không giúp ngăn ngừa những đợt bùng phát trong tương lai", ông cảnh báo.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)