Lý do đằng sau sự lạc quan này là Thủ tướng Scott Morrison đã ký được thỏa thuận 10 triệu liều Pfizer và một hợp đồng đang thương thảo với Novavax. Hai thỏa thuận được cho mang tới hy vọng Australia sẽ "trong nhóm đầu thế giới" khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo của đại dịch.
Tuy nhiên, trên thực tế, Australia lúc đó đã chậm chân hơn so với các đồng minh trong việc đặt hàng nguồn cung vaccine Pfizer khoảng bốn tháng. Mỹ, Anh, Nhật Bản và Canada đều đã đạt thỏa thuận với Pfizer từ tháng 7, 8 năm ngoái.
Australia không chỉ "đến muộn trong bữa tiệc" mà đơn hàng họ có được cũng rất nhỏ so với những nước khác. Với liệu trình hai mũi, số vaccine của Pfizer chỉ đủ cho 1/5 dân số Australia.
John LaMattina, cựu giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển toàn cầu của Pfizer, nói việc Australia chậm trễ giành thỏa thuận với Pfizer là điều dễ hiểu, bởi thành công bước đầu trong chiến lược kiểm soát Covid-19 của nước này. Nhưng cuối cùng, số lượng đặt hàng của Australia vào tháng 11 là "quá ít" và "không hợp lý".
"Một khi thấy được hiệu quả đáng kinh ngạc và chưa từng thấy của vaccine mRNA, chỉ đặt 10 triệu liều là không thức thời. Khi cả Pfizer và Moderna cho thấy bằng chứng hiệu quả mạnh mẽ của vaccine, mọi quốc gia nên lập tức liên hệ với công ty để đặt hàng", ông nói.
Thay vào đó, Australia lên kế hoạch sản xuất AstraZeneca và Đại học Queensland được lựa chọn là nơi triển khai. Nhưng vaccine UQ của họ đã thất bại ngay từ đầu do gây ra tình trạng dương tính giả với HIV.
Cựu quan chức Bộ Y tế Australia Stephen Duckett tin đây chính là một trong những quyết định dẫn tới thất bại trong kế hoạch triển khai vaccine của Australia. Australia vẫn là một trong số quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có chiến dịch triển khai vaccine tệ nhất.
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy Pfizer muốn đạt thỏa thuận với Australia đến vào giữa năm ngoái. Ngày 30/6, Pfizer gửi thư mời quan chức chính phủ Australia tham gia thảo luận về vaccine mRNA đang trong giai đoạn phát triển.
Cuộc họp dự kiến được tổ chức hai tuần sau đó. Đây là một trong 11 cuộc họp chính thức và các cuộc điện đàm giữa đại diện Pfizer với giới chức Australia. Cuộc thảo luận đầu tiên vào ngày 10/7/2020 đã trở thành chủ đề gây tranh cãi căng thẳng. Cuộc họp có sự góp mặt của các giám đốc điều hành người Australia của Pfizer, nhóm luật sư chính phủ và quan chức y tế cấp cao, gồm Lisa Schofield, trợ lý đội ứng phó Covid-19.
"Phía Pfizer nói 'đây là vaccine chúng tôi đang phát triển'. Chúng tôi nói rằng mình quan tâm tới việc thảo luận khả năng mua vaccine đó nhưng chỉ dừng lại ở đó. Không có con số cụ thể nào khác được đưa ra trong cuộc thảo luận hôm 10/7", Schofield nói.
Tuy nhiên, một nguồn tin giấu tên khác cho biết một quan chức Australia tỏ ra rất quyết liệt, tìm cách mặc cả với Pfizer và yêu cầu được xem xét quyền sở hữu trí tuệ của hãng với vaccine. Cuộc thảo luận vẫn tiếp tục sau đó nhưng không có thỏa thuận nào được ký kết.
Quyền Thủ hiến Victoria James Merlino cũng từng nói Pfizer đưa ra một đề nghị lớn cho chính phủ Australia trong cuộc họp đầu tiên. "Quốc gia của chúng tôi đã tuột mất cơ hội vào tháng 7 năm ngoái. Khi đó, Pfizer đưa ra một lời đề nghị với chính phủ để có thể đủ vaccine cung cấp cho cả đất nước, nhưng họ đã không chấp nhận", Merlino nói.
Tuy nhiên, Bộ Y tế Australia kiên quyết phủ nhận thông tin này. Schofield nói chính phủ Australia không đưa ra bất kỳ đề nghị chi tiết nào, đồng thời khẳng định 10 triệu liều vaccine là tất cả những gì Pfizer có thể cung cấp cho nước này trong thỏa thuận ký vào tháng 11.
Pfizer xác nhận họ là người đề xuất con số 10 triệu. "Nguồn cung vaccine cho Australia được đưa ra sau những tham vấn với chính phủ nước này và mỗi thỏa thuận đều phải dựa trên khả năng sẵn có của vaccine và lịch trình sớm nhất có thể cung cấp vào thời điểm đó", Pfizer cho hay.
Chính phủ Australia cũng bác bỏ cáo buộc không xây dựng danh mục đặt hàng nhiều loại vaccine, khi cho biết đã đảm bảo năm thỏa thuận nhằm mang về 195 triệu liều cho nước này. Quan chức chính phủ cũng khẳng định đã giành được thỏa thuận với Pfizer sớm nhất có thể, dựa trên lời khuyên của các cố vấn khoa học và dược phẩm. Họ cho rằng những gì được truyền thông đưa tin là "xuyên tạc".
Tuy nhiên, thực tế là tại thời điểm diễn ra cuộc họp đầu tiên với Australia, Pfizer không ngần ngại đàm phán các thỏa thuận với nhiều nước khác. Chỉ riêng trong tháng 7/2020, Pfizer đã đạt thỏa thuận cung cấp 100 triệu liều cho Mỹ, 120 triệu liều cho Nhật Bản và 30 triệu liều cho Anh. Pfizer cũng đề nghị cung cấp 500 triệu liều cho Liên minh châu Âu vào tháng 7, nhưng bị từ chối do vấn đề chi phí, theo Reuters.
Tới tháng 2 năm nay, Australia đã tăng gấp đôi số lượng đặt hàng với Pfizer. Vào thời điểm đó, nhu cầu của toàn cầu đã vượt quá khả năng cung ứng của hãng. Vào tháng 11, công ty này dự kiến phải sản xuất 1,3 tỷ liều, nhưng tới tháng 2, con số này là 2 tỷ.
"Chúng tôi có lượng lớn yêu cầu bổ sung từ khắp nơi trên thế giới và chắc chắn sẽ còn tăng thêm sau khi thử nghiệm lâm sàng cho thấy hiệu quả và an toàn", Anne Harris, giám đốc điều hành người Australia của Pfizer, nói hồi tháng 1.
Ba tháng trước, Australia đặt hàng thêm 20 triệu liều, tuy nhiên động thái này được đánh giá đã quá muộn màng giữa lúc nhu cầu về vaccine Pfizer ngày càng tăng.
Tuần trước, Thủ hiến Queensland Annastacia Palaszczuk tỏ ra bất bình về số lượng vaccine được cung cấp cho bang, khi biết họ chỉ nhận được khoảng 65.000 liều mỗi tuần cho tới tháng 10. Bang đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ "cạn" vaccine.
Lô vaccine mRNA mà Australia đặt hàng dự kiến không thể cập bến trước quý III năm nay. Bộ trưởng Tài chính liên bang Simon Birmingham cho rằng các công ty dược phẩm và các nước châu Âu phải chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ này, bởi họ ưu tiên cho những nước có tỷ lệ mắc Covid-19 cao.
"Điều đó khiến những nước như New Zealand và Australia phải xếp phía sau trong danh sách chờ đợi những vaccine đó", ông nói.
Theo số liệu mới nhất của cơ quan y tế liên bang, Australia đã tiêm 3,2 triệu liều Pfizer và 5 triệu liều AstraZeneca. Trong ba tuần qua, chính phủ Australia đã cập nhật số liệu về lượng vaccine được phân phối với trung bình một triệu liều mỗi tuần. 16,6 triệu liều mới đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm cấp phép phân phối.
Trong cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt xác nhận tăng nguồn cung vào tháng 7 và 8 từ một triệu liều lên 2,85 triệu liều. Tuần trước, Thủ tướng Morrison tuyên bố nguồn cung vaccine sẽ tăng gấp ba trong những tháng tới.
Duckett cho biết tới tháng 10, Australia có thể cung cấp khoảng hai triệu liều Pfizer và nửa triệu liều Moderna mỗi tuần. Con số này đủ để tiêm chủng cho tất cả dân số trưởng thành của Australia.
"Chính phủ với đội ngũ tư vấn triển khai tiêm chủng đã có nhiều tháng rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình", Anika Stobart viết trên The Conversation.
Thanh Tâm (Theo Guardian)