Trái với cách làm trước đây, khi tỷ lệ nhiễm nCoV gia tăng đồng nghĩa với các biện pháp phòng dịch được siết chặt, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 12/7 tuyên bố gần như mọi hạn chế sẽ được gỡ bỏ vào ngày 19/7, bất chấp tỷ lệ nhiễm tại Anh cao hàng đầu thế giới và tăng nhanh hàng tuần, với biến chủng Delta bao trùm.
Tiêm chủng là chìa khóa dẫn đến thay đổi này. Covid-19 gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn so với bệnh cúm, nhưng vaccine vừa giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm virus, vừa hạ mức độ nghiêm trọng nếu bị nhiễm.
Do đó, ngay cả khi biến chủng Delta đang lây lan mạnh mẽ khắp thế giới, chính phủ những quốc gia tiêm chủng thành công hy vọng vẫn bảo vệ được những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất để trở lại cuộc sống bình thường hơn, nơi Covid-19 được coi như bệnh cúm, nguyên nhân khiến hàng chục nghìn người Mỹ tử vong mỗi năm nhưng không dẫn đến các đợt phong tỏa gây tổn hại kinh tế.
"Chúng tôi sẽ loại bỏ các quyết định pháp lý, cho phép người dân tự đưa ra quyết định của riêng họ", Thủ tướng Johnson cho biết.
86% người trưởng thành tại Anh đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 và gần 65% đã tiêm đầy đủ. Giới chức nước này tin rằng tỷ lệ lây nhiễm có thể duy trì ở mức tương đối an toàn trong số những người chưa tiêm chủng, chủ yếu là nhóm trẻ tuổi hơn, đồng thời tỷ lệ nhập viện và tử vong sẽ tăng chậm hơn nhiều. Hơn 2.700 người tại Anh đang điều trị Covid-19 trong bệnh viện, trong khi con số này vào lúc cao điểm gần đây nhất hồi tháng một là 40.000.
Các quy định bắt buộc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, hạn chế số lượng khán giả tham gia những sự kiện trực tiếp dự kiến được gỡ bỏ. Người dân không còn phải đeo khẩu trang tại những không gian công cộng trong nhà. Yêu cầu tự cách ly sau khi nhiễm nCoV vẫn sẽ được giữ nguyên.
Hơn 120 học giả đã cùng ký tên trong bức thư gửi đến tạp chí y khoa Lancet để phản đối kế hoạch của Anh, gọi đây là quyết định "nguy hiểm và vội vàng". Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson cho rằng mọi người phải học cách sống chung với Covid-19 như với bệnh cúm mùa.
Tại Mỹ, chính quyền liên bang giờ đây phần lớn cũng tập trung vào cung cấp hướng dẫn, thay vì ra quy định bắt buộc về cách kiểm soát sự lây lan của nCoV trong cộng đồng. Hầu hết quyết định thuộc về chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Vì vậy, mức độ ứng phó Covid-19 khác nhau giữa các bang và thành phố.
Hầu hết bang tại Mỹ đã gỡ bỏ toàn bộ biện pháp hạn chế, trừ những quy định trong bệnh viện và phương tiện giao thông công cộng, nhưng không bắt buộc tiêm chủng. Tại California, những người trên 2 tuổi chưa tiêm phải đeo khẩu trang trong không gian công cộng kín và doanh nghiệp. Bất cứ ai muốn tham gia sự kiện lớn trong nhà cần chứng minh đã tiêm chủng hoặc xuất trình kết quả âm tính với nCoV.
Hôm 9/7, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ kêu gọi các trường học tiếp tục mở cửa vào mùa thu này, trong khi vẫn duy trì một số biện pháp phòng ngừa, động thái được cho là giúp cuộc sống của nhiều trẻ em tiến gần hơn đến trạng thái bình thường.
Hàng chục dự luật cũng đang được trình lên các nghị viện bang trên toàn quốc, hầu hết đề nghị cấm ban hành những yêu cầu bắt buộc tiêm chủng, dù vài thống đốc bang có quan điểm trái ngược. Một số doanh nghiệp và nhiều trường học cũng cho biết họ sẽ yêu cầu nhân viên và học sinh tiêm vaccine.
Phía bên kia biên giới, chiến dịch tiêm chủng Covid-19 của Canada cũng tăng tốc nhanh chóng bất chấp khởi đầu tương đối chậm chạp. Tính đến ngày 4/7, Canada đã tiêm ít nhất một liều vaccine cho khoảng 69% dân số, với 36% đã tiêm đầy đủ. Tỉnh Alberta đã chấm dứt gần như tất cả biện pháp phòng dịch vào ngày 1/7, bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín.
Tuy nhiên, cách tiếp cận giữa các địa phương ở Canada cũng khác nhau, với nhiều nơi tỏ ra thận trọng hơn. Tại Ontario, tỉnh đông dân nhất cả nước, thực khách được dùng bữa tại nhà hàng nhưng chỉ ở ngoài trời, không được vào không gian kín, ít nhất đến cuối tháng này. Yêu cầu đeo khẩu trang tiếp tục được duy trì tại nơi làm việc và những sự kiện công cộng trong nhà.
Tại Singapore, chính quyền đang vạch ra kế hoạch ứng phó với Covid-19 như một bệnh đặc hữu. Giới chức cho biết quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra dần dần trong nhiều tháng, ngay cả khi số ca nhiễm nCoV mỗi ngày giảm xuống mức một con số.
"Phong cách của chúng tôi không bao giờ là đưa ra quyết định táo bạo, mà luôn tiếp cận từng bước, theo giai đoạn, một cách thận trọng và an toàn", Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung phát biểu trong cuộc họp báo hôm 7/7.
Chính phủ Singapore cho biết họ đang trên đà đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho một nửa trong số 5,7 triệu dân vào cuối tháng 7, tiếp đó là 2/3 dân số vào 9/8. Những dấu mốc này sẽ mở ra các chính sách mới, cho phép mở lại nhiều hoạt động kinh tế - xã hội hơn. Những người đã tiêm chủng có nhiều lựa chọn hơn so với nhóm chưa tiêm.
Theo thời gian, Singapore hy vọng có thể gỡ bỏ những biện pháp hạn chế chống dịch mà họ từng phải dựa vào suốt nhiều tháng. Người nhiễm nCoV dự kiến được điều trị tại nhà, hoạt động truy vết trên diện rộng và cách ly sẽ được thu hẹp. Số liệu thống kê sẽ chuyển trọng tâm từ số ca nhiễm hàng ngày sang số người phải điều trị tích cực và đặt nội khí quản.
Hành khách nhập cảnh hiện vẫn phải tuân thủ quy định cách ly nghiêm ngặt. Yêu cầu làm việc tại nhà được duy trì và số người được dùng bữa cùng nhau tại nhà hàng bị hạn chế. Người dân vẫn phải đeo khẩu trang hầu như mọi lúc khi ra khỏi nhà.
Tuy nhiên, một hình mẫu tiêm chủng khác là Israel lại chọn cách tiếp tục tích cực ngăn virus lây lan. Nước này từng mở cửa sau khi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, nhưng nhanh chóng tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Hơn 62% dân số Israel đã được tiêm chủng Covid-19 đầy đủ, tương đương hơn 80% người trưởng thành. Nước này từng gỡ bỏ gần như toàn bộ biện pháp hạn chế hồi đầu tháng 6, nhưng đợt bùng phát vì biến chủng Delta khiến các nhà hoạch định chính sách phải khôi phục quy định đeo khẩu trang trong không gian công cộng kín.
Sau cuộc họp giữa các bộ trưởng với giới chức y tế hôm 7/7, chính phủ Israel cho biết quyết định của họ sẽ được đưa ra phụ thuộc vào số ca mắc Covid-19 nghiêm trọng. Các biện pháp chống dịch hiện nay bao gồm đeo khẩu trang trong không gian công cộng kín, cách ly hành khách nhập cảnh cho đến khi có kết quả âm tính.
Martin McKee, giáo sư về y tế cộng đồng châu Âu tại Trường Vệ sinh và Y tế nhiệt đới London của Anh, một trong những người ký vào thư phản đối kế hoạch tái mở cửa của chính phủ Thủ tướng Johnson, cảnh báo Covid-19 "không giống bệnh cúm, mà nghiêm trọng hơn rất nhiều".
Tuy nhiên, Edward Stenehjem, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại bang Utah ở Mỹ, cho rằng mọi người rồi "sẽ phải học cách chung sống với Covid-19".
"Chúng ta sẽ phải học cách kiểm soát loại virus này. Những bệnh nhân Covid-19 vẫn sẽ xuất hiện trong tương lai", Stenehjem nhận định.
Ánh Ngọc (Theo WSJ)