Chiều 17/10, các nhà thầu tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2 dành gần 2 giờ nêu quan điểm về vụ án. Theo đó, Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1) và hai nhà thầu Hàn Quốc, Lotte E&C và Posco E&C, đều phản đối yêu cầu bồi thường thiệt hại tại 3 gói thầu, tổng trị giá 245 tỷ đồng.
Theo các doanh nghiệp, họ đều "làm đúng, chuẩn". Việc cơ quan giám định kết luận cao tốc "không đạt chất lượng là không có căn cứ".
Đại diện Posco hai lần đặt ra nghi vấn về sự đáng tin của các kết luận giám định. Họ cũng cho rằng, cơ quan giám định đã sử dụng những phương pháp "không đâu trên thế giới áp dụng" và những tiêu chuẩn này "người có kiến thức cơ bản về khoa học vật liệu cũng thấy không phù hợp".
Trong 40 phút, tiến sĩ Phạm Văn Hùng, đại điện cơ quan giám định, Phân viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải phía Nam (ITST), đưa ra phản biện cho 3 "quan ngại" của các nhà thầu về độ tin cậy của kết luận giám định.
Về phương pháp giám định, các nhà thầu cho rằng việc sử dụng hai phương pháp giám định (phá hủy và không phá hủy) là "không đảm bảo tính khoa học" và cho kết quả trái ngược nhưng phía giám định vẫn kết luận nhiều hạng mục không đảm bảo chất lượng.
"Về vấn đề này, ông giải thích thế nào?", chủ tọa hỏi giám định viên. Đại diện ITSTS khẳng định ông và hai cộng sự làm đúng quy trình, quy chuẩn. "Rất nhiều vấn đề các vị không hiểu hết và phát biểu trên góc độ cá nhân. Các vị tưởng đó là hai phương pháp mâu thuẫn nhau nhưng đó là cách hiểu sai lầm. Mỗi phương pháp thí nghiệm đều có giá trị giám định và phục vụ cho mục tiêu giám định nhất định, để đánh giá chất lượng toàn diện", giám định viên cho hay.
Ông Hùng ví dụ, bề dày mặt đường có thể đo bằng phương pháp trực quan, do là tiêu chí nhìn thấy bằng mắt. Song có những chỉ tiêu phải dùng các thiết bị thí nghiệm độ chính xác rất cao. Và cả hai phương pháp đều bổ trợ nhau để đánh giá toàn diện chất lượng công trình, không hề mâu thuẫn nhau như tên gọi. Đây là "điều khiến các nhà thầu và các bị cáo đang bị lầm tưởng".
Với ý kiến của nhà thầu cho rằng tần suất lấy mẫu giám định rất thấp, dẫn đến kết quả cục bộ, không đại diện cho chất lượng cả tuyến, giám định viên Hùng giải thích việc lấy mẫu tần suất thế nào đều có nguyên tắc tại quyết định 5633 năm 2014 của Bộ Giao thông Vận tải.
"Như các bị cáo nói lấy mẫu vậy là cục bộ thì để đánh giá hết hơn 130 km cao tốc sẽ phải đào banh hết lên để thí nghiệm, giám định mới đúng hay sao?", giám định viên nói và khẳng định, số lượng mẫu thí nghiệm lấy thực tế còn nhiều hơn so với hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải.
Các mẫu đều được lấy ngẫu nhiên, đảm bảo lấy suốt chiều dài và chiều ngang cao tốc, kể cả những vị trí mắt mình đánh giá là tốt, bình thường và bất thường.
"Chúng tôi chọn mẫu xác suất ngẫu nhiên mà trong đó tôi 'gắp' mẫu nào cũng thấy bất thường, không ổn thì làm sao tôi kết luận đạt chất lượng", giám định viên Hùng phân tích.
"Các vị cứ hay lầm tưởng là sai quy định là phải mắt thấy có hư hỏng mới là làm sai, nhưng không phải. Ví dụ, lớp bê tông nhựa trên cùng, theo quy chuẩn phải là bê tông nhựa 12.5, nhưng các anh thi công với bê tông nhựa 19, trời phù hộ nó không hư hỏng nhưng không có nghĩa là các anh làm đúng. Nhà nước trả tiền để mua sản phẩm đường cao tốc đúng quy chuẩn, chứ không phải đường chưa hỏng nghĩa là các anh không sai", giám định viên gay gắt.
"Chúng tôi làm việc rất nghiêm túc và căng thẳng, các anh thì nhìn ngang vào, ở trên thì quan trên trông xuống, ở dưới thì người dân trông lên. Đời tôi đến nay 37 năm làm đúng cái nghề này, nên tôi đảm bảo tất cả mọi thứ làm đúng quy định", vị này khẳng định.
Vấn đề "quan ngại" thứ ba của các nhà thầu là thời điểm giám định. Theo họ, từ khi nghiệm thu công trình đến lúc lấy mẫu đã trải qua 17 tháng khai thác sử dụng, chất lượng đường có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường và vận hành thực tế nên kết quả giám định có thể phản ánh không đúng các chỉ số chất lượng khi nghiệm thu.
Giám định viên giải thích "đã tính đến khả năng này" và đây chính là lý do chọn lấy mẫu thí nghiệm ở khu vực làn dừng khẩn cấp, tức nơi ít xe lưu thông nhất, mặt đường không bị hằn lún, đảm bảo mặt đường còn nguyên độ lún ban đầu, hiện trạng bề mặt bê tông nhựa còn nguyên vẹn, không chịu tác động của tải trọng.
Theo ông Hùng, về ảnh hưởng của thời gian giám định, trước nay không có quy định là sau bao lâu không được làm giám định nhưng vẫn có khuyến cáo thời gian có thể ảnh hưởng đến một số tiêu chí như độ nhám của mặt đường.
"Toàn bộ các vị đều dựa vào câu bị ảnh hưởng thời tiết độ ẩm nhưng trời mưa gió thì con đường nào cũng phải chấp nhận, làm gì có chuyện đường sợ trời mưa gió. Đôi ba lượt xe đi mà đường đã hư thì bỏ nghề luôn đi làm đường làm gì", ông nói.
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài hơn 139 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi, khởi công ngày 19/5/2013, tổng vốn đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng.
Cuối tháng 12/2021, giai đoạn I của vụ án đã được xét xử, liên quan 65 km không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại 811 tỷ đồng. Tại giai đoạn 2 đang được xét xử, đoạn cao tốc 72 km từ TP Tam Kỳ đến TP Quảng Ngãi bị VKS quy kết chất lượng không đạt yêu cầu, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước 460 tỷ đồng.
Trong 22 bị cáo của phiên tòa lần này, 11 cựu lãnh đạo, cán bộ VEC, trong đó có cựu tổng giám đốc Trần Văn Tám.
Ngoài các sai phạm chung về quản lý, ông Tám bị cáo buộc ký văn bản gửi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, đánh giá chất lượng cao tốc "đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu thiết kế". Song thực tế, Hội đồng nghiệm thu cơ sở do ông Tám làm chủ tịch thậm chí còn chưa họp để đánh giá chất lượng công trình. Trong phiên tòa hôm 16/10, vị cựu tổng giám đốc phân trần, do bị cơ quan chủ quản, Bộ Giao thông vận tải hối thúc tiến độ.
Hôm nay, phiên tòa bước sang ngày làm việc thứ ba.
Thanh Lam