Kết thúc gần 4 giờ công bố cáo trạng, chiều 16/10, phiên xét xử vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2, mở đầu với phần xét hỏi ông Tám, 61 tuổi, cựu tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC), bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
VKS cáo buộc, ông Tám trực tiếp phụ trách dự án, kiêm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở. Ngoài các sai phạm chung, ông còn ký biên bản nghiệm thu hoàn thành, kết luận cao tốc "đảm bảo kỹ thuật". Ông cũng ký văn bản gửi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, đánh giá chất lượng công trình "đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu thiết kế". Trong khi đó, Hội đồng nghiệm thu cơ sở do ông Tám làm chủ tịch thậm chí còn chưa họp để đánh giá chất lượng công trình.
Theo VKS, ông Tám ký hồ sơ nghiệm thu và thanh toán hơn 45 tỷ đồng cho 5 gói thầu, trong khi chất lượng công trình không đạt tiêu chuẩn. Số tiền này do đó là thiệt hại cựu tổng giám đốc VEC phải chịu trách nhiệm.
Ông Tám hôm nay ra tòa sau 19 tháng bị tạm giam. Trong gần một giờ trả lời HĐXX, ông cho hay, VEC là doanh nghiệp được Bộ Giao thông Vận tải thành lập với nhiệm vụ đầu tư quản lý khai thác các đường cao tốc tại Việt Nam. Bộ Giao thông Vận tải vừa là chủ sở hữu, vừa là cơ quan quản lý Nhà nước của VEC.
Tuy nhiên, với các dự án VEC là chủ đầu tư, VEC trực tiếp chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, chứ không phải Bộ chủ quản.
Theo quy định, công trình cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phải được nghiệm thu từng phần, đạt chất lượng mới được thi công phần tiếp theo. Nhưng tại phiên tòa, ông phân trần: "Không thể làm được như thế".
Theo ông, dự án giai đoạn 2 thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, "tức là giải phóng mặt bằng được đến đâu thi công ngay đến đó, không phụ thuộc những chỗ chưa có mặt bằng, lớp này không thể chờ lớp kia", vì thế không thể chờ đến cuối để nghiệm thu tổng thể. Ông cho rằng công tác giải phóng mặt bằng khi đó không đầy đủ, không đồng bộ và gặp nhiều khó khăn.
Trước câu hỏi vì sao ký văn bản nghiệm thu gửi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, khi chính ông và Hội đồng nghiệm thu cơ sở chưa họp để đánh giá, cựu tổng giám đốc VEC ngừng vài giây, nói: "Khi đó Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu VEC khẩn trương báo cáo quá".
Chủ tọa tiếp tục truy vấn: "Dựa vào đâu mà bị cáo làm sai quy định như thế?". Ông Tám trả lời: "Bị cáo dựa vào các báo cáo, đệ trình của tư vấn giám sát".
"Chỉ dựa vào đấy đã kết luận là thế nào?", chủ tọa tiếp tục hỏi. Bị cáo khi này nói mình chỉ đánh giá "khối lượng hoàn thành cơ bản" theo thiết kế, chứ không đánh giá chất lượng.
Trước câu trả lời này, chủ tọa công bố lại nguyên văn báo cáo ông Tám ký, gửi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, trong đó nêu "công trình đã hoàn thành và đảm bảo chất lượng", chứ không chỉ khối lượng công việc.
"Bị cáo nhớ văn bản báo cáo của mình không?", chủ tọa hỏi, song ông Tám nói "lâu rồi không nhớ".
HĐXX tiếp tục kết luận giám định của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, nêu những hư hại của công trình cao tốc như: nền đường lẫn nhiều đá không được loại bỏ, vật liệu thi công không phù hợp chất lượng, kích cỡ, đá dăm gia cố lớp xi măng bị nứt dọc, nứt ngang; một số phân đoạn bêtông nhựa, đá dăm, không đạt yêu cầu kỹ thuật, lớp đất đắp không đạt độ chặt, không đạt độ dày...
Với trách nhiệm là người đứng đầu VEC trong giai đoạn xảy ra sai phạm, ông Tám nói "không hiểu về kỹ thuật nên không có ý kiến" và nhận trách nhiệm "liên đới". Ông Tám cho hay đã được gia đình nộp khắc phục thay 600 triệu đồng.
Trong hai lần mở phiên tòa, đại diện Bộ Giao thông Vận tải được HĐXX triệu tập, song đều vắng mặt.
Cơ quan công tố đánh giá, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện chức năng của người quyết định đầu tư và là Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành giao thông. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng có chức năng kiểm tra (không thực hiện chức năng nghiệm thu).
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ Giao thông Vận tải và các vụ, cục chuyên môn đã 81 lần kiểm tra hiện trường, tổ chức các cuộc họp và phát hành 385 văn bản chỉ đạo gửi chủ đầu tư VEC về tiến độ, chất lượng công trình, yêu cầu thực hiện; đã thực hiện 129 đợt kiểm tra hiện trường, ban hành 12 văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo, 112 biên bản lấy mẫu hiện trường yêu cầu chủ đầu tư giải trình, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện.
Kết quả điều tra, không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự với các cá nhân liên quan ở Bộ Giao thông Vận tải, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng và cơ quan tham mưu. Song nhà chức trách xác định, có trách nhiệm của các cá nhân này trong công tác quản lý, theo dõi công trình. Vì vậy, cơ quan điều tra kết luận và đề nghị hai cơ quan này kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan để xử lý theo các quy định.
Trong vụ án, ngoài ông Tám, ông Mai Tuấn Anh, cựu chủ tịch HĐTV, cựu tổng giám đốc VEC, cũng bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong 20 bị cáo còn lại, 9 người là cựu cán bộ, lãnh đạo VEC, 7 cựu giám đốc liên danh nhà thầu thi công các gói thầu và 4 kỹ sư vật liệu. VEC được xác định là nguyên đơn dân sự.
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài hơn 139 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi, khởi công ngày 19/5/2013. Dự án sử dụng nguồn vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA, vốn vay Ngân hàng Thế giới - WB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, tổng hơn 34.000 tỷ đồng.
Kết luận giám định nêu 65 km đường cao tốc thuộc giai đoạn I (từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) không đảm bảo chất lượng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, gây thiệt hại 811 tỷ đồng. 36 người đã bị xét xử hồi tháng 12/2021. Trong đó hai cựu phó giám đốc VEC Lê Quang Hào và Nguyễn Mạnh Hùng bị phạt lần lượt 6 và 7 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại giai đoạn 2 (từ TP Tam Kỳ đến TP Quảng Ngãi, hơn 72 km cao tốc), cơ quan điều tra xác định, sai phạm của 22 bị cáo gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước 460 tỷ đồng.
Thanh Lam