Ngày 17/10, đại diện của 5 nhà thầu thi công các gói thầu tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bày tỏ quan điểm về vụ án và về yêu cầu bồi thường.
Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam giai đoạn 2, từ TP Tam Kỳ đến TP Quảng Ngãi, dài hơn 72 km được chia làm 5 gói thầu: gói A1 giá trị 47,5 tỷ đồng do liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CC 1) và Lotte E&C (Hàn Quốc) cùng thực hiện; gói A2 giá trị 129 tỷ đồng do tập đoàn công trình giao thông tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) thực hiện; gói A3 trị giá 85 tỷ đồng do tập đoàn công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) thực hiện; gói A4 trị giá 127 tỷ đồng do tập đoàn Lotte E&C (Hàn Quốc) thực hiện và gói A4 trị giá 71 tỷ đồng do Posco E&C (Hàn Quốc) thực hiện.
Tại phiên tòa hôm nay, 3 trong 5 nhà thầu có mặt là CC1, Posco E&C và Lotte E&C. Hai nhà thầu Trung Quốc không được tòa chấp nhận tư cách người đại diện do chưa trình được văn bản hợp pháp hóa lãnh sự cho giấy ủy quyền.
Đại diện nguyên đơn dân sự, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC), cho biết nếu xác định được các nhà thầu thi công 5 gói thầu trên có sai phạm, vi phạm hợp đồng và pháp luật, gây thiệt hại cho VEC thì họ phải bồi thường theo nguyên tắc thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó.
VEC không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường. "Mong HĐXX coi đó là một cái rủi ro nghề nghiệp, việc các bị cáo đứng đây đã một hình thức quá đủ để răn đe", đại diện VEC trình bày tại phiên tòa chiều nay.
Vị đại diện nói, với tư cách chủ đầu tư, VEC luôn mong có cao tốc với hệ số an toàn, đúng thiết kế được phê duyệt. Khi ký hợp đồng với VEC, 5 nhà thầu có nghĩa vụ xây dựng đảm bảo yêu cầu, tiến độ và chất lượng được phê duyệt. "Nếu không đúng, không đầy đủ hoặc có lỗi, nhà thầu đương nhiên phải bồi thường", phía VEC nêu quan điểm.
Phản đối quan điểm này, đại điện hai nhà thầu Hàn Quốc đều cho rằng "yêu cầu bồi thường của VEC là vô lý". Trả lời bằng tiếng Hàn Quốc, thông qua phiên dịch viên, CEO Lotte E&C cho biết, doanh nghiệp là nhà thầu của 2 gói, trong đó, gói A4 đã thực hiện toàn bộ và gói A1 liên danh thực hiện với CC1 theo tỷ lệ Lotte E&C 45%, và CC 55%. Để công việc suôn sẻ, Lotte sau đó có hợp đồng ủy nhiệm cho CC 1 thực hiện toàn bộ phần thi công gói A1.
CEO Lott E&C nói không đồng ý bồi thường bất cứ gói thầu nào với lý do "đã thực hiện toàn bộ theo đúng hợp đồng, có kiểm tra chất lượng từng giai đoạn". VEC sau đó cũng thuê một đơn vị kiểm tra chất lượng riêng biệt và đơn vị này cũng kiểm tra quy trình tương tự như phía Ban giám định. Kết quả cho thấy gói thầu "không có vấn đề gì".
"Sau đó, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng đã đánh giá đạt chất lượng theo yêu cầu. Theo hợp đồng, Lotte sẽ bảo hành 2 năm sau khi đưa vào sử dụng. Thực tế, trong thời gian đó, chúng tôi không nhận được phản ánh gì về sai sót, hỏng hóc hay sửa chữa bảo trì phát sinh trên gói thầu đã đảm nhiệm", CEO Lotte E&C giải thích.
Theo vị này, đến thời điểm này, 5 năm từ khi thông đường, "cao tốc vẫn vận hành tốt, đảm bảo tốc độ 150 km/h", chưa từng bị tạm dừng để sửa, vẫn thu phí. "Việc VEC yêu cầu bồi thường, chúng tôi thấy không hợp lý", CEO Lotte E&C lần thứ ba khẳng định quan điểm không bồi thường.
Ngày 12/10, Lotte đã nộp 3 video do họ thực hiện. Một video quay tháng 10/2022 và 2 video vào tháng 5/2023. "Nếu xem tình trạng đường trong 3 video, HĐXX có thể thấy cao tốc đang được vận hành không sai sót gì, đề nghị trình chiếu tại tòa 3 video chúng tôi cung cấp", ông nói với HĐXX.
Với gói A1 liên danh với CC1, do Lotte E&C đã có ủy quyền và ký kết nội bộ, doanh nhân Hàn Quốc này cho rằng "nếu có sai phạm, CC1 sẽ chịu 100% trách nhiệm bồi thường".
Đại diện Posco E&C cũng mở đầu phần trả lời bằng việc khẳng định "phản đối 100%" yêu cầu bồi thường của VEC. Vị này nói phương pháp giám định không logic, không phù hợp dẫn đến kết quả không chính xác.
Theo ông, Posco và cả VEC có thuê đơn vị giám định độc lập là KC1, và cùng có kết luận "đạt yêu cầu, vận hành ổn định".
Theo đại diện Posco E&C, cơ quan giám định "áp đặt" các tiêu chuẩn của vật liệu xây dựng ở trạng thái nguyên sinh cho cả vật liệu đã qua xử lý vào thi công và sử dụng là không logic.
"Tiêu chí vật liệu tại trạng thái nguyên sinh sẽ không giống trạng thái khi thi công và vận hành. Điều này kỹ sư vật liệu và những người có kiến thức cơ bản về khoa học vật liệu cũng thấy nó không phù hợp", Đại diện Posco E&C nêu quan điểm.
CC1 là nhà thầu Việt Nam duy nhất tham gia thực hiện 5 gói thầu, song cũng cho rằng kết kết luận giám định không hợp lý. Theo đại diện CC1, dự án đã bàn giao từ tháng 9/2018, đến nay là 5 năm, song họ chưa từng bị VEC yêu cầu bồi thường, tu sửa hỏng hóc. Do đó CC1 được VEC thanh toán đầy đủ. Nữ đại diện khẳng định, nếu có sai phạm, công ty sẽ bồi thường mà không yêu cầu các bị cáo liên đới trách nhiệm.
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài hơn 139 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi, khởi công ngày 19/5/2013. Dự án sử dụng nguồn vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA, vốn vay Ngân hàng Thế giới - WB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, tổng hơn 34.000 tỷ đồng.
Cuối tháng 12/2021, liên quan trách nhiệm khiến 65 km thuộc giai đoạn I không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại 811 tỷ đồng, hai cựu phó tổng giám đốc VEC Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào và 34 bị cáo đã bị TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm.
Bốn tháng sau, vụ án giai đoạn 2 được mở ra với cáo buộc tại giai đoạn 2 của dự án, từ TP Tam Kỳ đến TP Quảng Ngãi với hơn 72 km, chất lượng cao tốc không đạt yêu cầu, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước 460 tỷ đồng. Trong 22 bị cáo của vụ án này có 11 cựu lãnh đạo, cán bộ VEC, gồm: cựu tổng giám đốc Trần Văn Tám, ông Mai Tuấn Anh, cựu chủ tịch HĐTV, cựu tổng giám đốc và hai cựu phó tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào.
Ngày mai, phiên tòa bước sang ngày xét xử thứ ba, dự kiến kéo dài 6 ngày.
Thanh Lam