Số ca nhiễm mới giảm dần ở Florida và Arizona có thể là dấu hiệu cho thấy Covid-19 đã chạm đỉnh ở một số điểm nóng nghiêm trọng nhất của Mỹ, lặp lại mô hình dịch bệnh hồi đầu tháng 6. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế cộng đồng hôm 23/7 cảnh báo nCoV vẫn ngoài tầm kiểm soát.
Mỹ ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên hôm 21/1. Chỉ 98 ngày sau, số ca nhiễm ở nước này đã chạm mốc một triệu. Tuy nhiên, con số này chỉ mất 16 ngày để tăng từ ba triệu lên 4 triệu. Tốc độ tăng ca nhiễm trung bình ở Mỹ hiện là 2.600 trường hợp/giờ, mức cao nhất thế giới, theo thống kê của Reuters.
Một phân tích mới về Covid-19 từ các chuyên gia y tế cho thấy các đợt bùng phát ở Mỹ đang có xu hướng dịch chuyển về phía bắc và vùng bờ biển, khi một loạt điểm nóng bắt đầu "nguội dần", những điểm nóng mới lại xuất hiện. Thay vì làm phẳng đường cong dịch, Covid-19 ở Mỹ có thể đạt đỉnh với mức độ không thể khống chế hoặc liên tục tăng giảm vượt tầm kiểm soát.
"Đây là bức tranh Covid-19 ở các bang kiểm soát dịch không tốt", Marta Wosinska, phó giám đốc Trung tâm Chính sách Y tế Duke-Margolis, ở Washington, thành viên nhóm phân tích, cho hay.
Một tháng trước, Tổng thống Donald Trump vẫn khăng khăng cho rằng Covid-19 đang "dần biến mất" ở Mỹ, nhưng giờ ông thừa nhận đây là dịch bệnh "quái ác và nguy hiểm". Trump hôm 21/7 cam kết theo đuổi "chiến lược mạnh mẽ" để kiểm soát nCoV và đảm bảo phân phối nhanh đợt vaccine đầu tiên được sản xuất.
Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo về làn sóng ca nhiễm gia tăng ở nhiều bang. "Một số khu vực của đất nước đang chống dịch rất tốt, nhưng những nơi khác thì kém hơn. Có lẽ tình hình sẽ tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn", Trump nói, đồng thời kêu gọi người trẻ Mỹ tránh đến những quán bar đông đúc, nơi nCoV dễ dàng lây lan.
Tuy nhiên, Trump vẫn cho rằng dịch chỉ bùng phát ở một số khu vực phía nam và tây nam, đồng thời bày tỏ thái độ lạc quan về đại dịch trong buổi họp báo tại Nhà Trắng hôm 22/7.
"Ánh sáng đã bắt đầu xuất hiện", Trump nói và chia sẻ về thỏa thuận trị giá gần hai tỷ USD với Pfizer nhằm cung cấp 100 triệu liều vaccine, hiện đang được công ty này phát triển.
Một số người khác như Thomas Lee, đối tác quản lý tại Fundstrat Global Advisors, công ty nghiên cứu độc lập ở New York, cũng lạc quan cho rằng số ca nhiễm mới ở Mỹ sẽ chỉ tăng trong 4 tuần nữa, đồng thời tỷ lệ nhập viện và tử vong hàng ngày có thể giảm dần. Lee cho rằng điều này cho phép Mỹ quay lại với các kế hoạch hồi đầu tháng 6, thời điểm Covid-19 có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, Tucker Doherty, biên tập viên của Politico cho rằng kịch bản hồi tháng 6 khác xa những gì Mỹ đang đối mặt hiện nay. Mỹ tháng này đã ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày gấp khoảng ba lần so với tháng 6, trong khi số ca nhập viện trên toàn quốc lên gần 60.000, tương đương khi dịch đạt đỉnh hồi tháng 4 với tâm dịch ở New York và một số trung tâm đô thị khác. Sau nhiều tuần chứng kiến ca nhiễm giảm, Mỹ tuần này đã ghi nhận lại hơn 1.000 ca tử vong mỗi ngày.
Morgan Stanley, ngân hàng đầu tư đa quốc gia tại New York, tuần này cũng cập nhật các mô hình Covid-19 và dự đoán số ca nhiễm nCoV ở Mỹ sẽ tăng lên ít nhất 6,5 triệu người. Công ty này cho rằng Covid-19 chỉ được kiểm soát ở 5 bang, trong khi 25 bang khác ghi nhận mức tăng kỷ lục mới.
Tuy nhiên, Brett Giroir, trợ lý Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) hôm 23/7 chia sẻ các tín hiệu lạc quan. Ông cho biết tỷ lệ dương tính khi làm xét nghiệm nCoV, điều mà ông xem "chỉ số hàng đầu" về đại dịch", đã bắt đầu giảm xuống từ tuần trước và hiện đang giảm trên khắp nước Mỹ.
"Chúng tôi đang thấy tỷ lệ nhiễm trung bình trong 7 ngày đang giảm xuống. Theo đó, chúng tôi dự đoán tỷ lệ nhập viện cũng sẽ bắt đầu giảm trong tuần tới hoặc sau đó. Tiếp theo, tỷ lệ tử vong cũng sẽ giảm trong hai, ba tuần tới. Điều này không có nghĩa là chúng tôi dự đoán dịch đã qua. Do đó, không ai được phép mất cảnh giác", Giroir nói.
Dù Covid-19 ở Arizona, Texas và Florida đang có chuyển biến tích cực, tình hình ở một số bang khác như Idaho và Alabama vẫn rất ảm đạm.
22 bang đang đối mặt với làn sóng lây lan "không thể kiểm soát", theo phân tích mới của Covid Exit Strategy, nhóm do các chuyên gia khủng hoảng và y tế cộng đồng thành lập. 15 bang khác đang chứng kiến xu hướng tăng ca nhiễm và tử vong, giảm khả năng tiếp nhận của bệnh viện.
Các chuyên gia y tế cộng đồng nói rằng nguyên nhân tiếp tục nằm ở việc thiếu chiến lược phối hợp giữa xét nghiệm, theo dõi lịch sử tiếp xúc và thông tin từ chính quyền.
Nhiều bang không có đủ nhân viên theo dõi lịch sử tiếp xúc, những người chịu trách nhiệm phát hiện các ca nghi nhiễm và thuyết phục họ cách ly. Công việc của họ gặp nhiều thách thức do việc xét nghiệm chậm trễ ở một số nơi, khi có thể mất tới hơn một tuần để có kết quả. Nếu những biện pháp y tế cộng đồng này không được thực hiện, Mỹ sẽ khó có thể làm phẳng đường cong dịch.
"Nhận kết quả xét nghiệm kịp thời là điều rất quan trọng đối với chiến lược kiểm soát dịch, dựa trên cách ly nhanh và truy vết lịch sử tiếp xúc", Cyrus Shahpar, cựu nhà dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngựa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nói. "Chiến lược sẽ cần phải thay đổi nếu không có kết quả xét nghiệm kịp thời".
Số ca tử vong ở Mỹ đạt đỉnh hồi tháng 4 với trung bình 2.000 người/ngày, sau đó giảm dần còn trung bình 1.300 người/ngày vào tháng 5 và dưới 800 người/ngày trong tháng 6. Tuy nhiên, sau khi nhiều bang tái mở cửa mà không đảm bảo được quy định phòng dịch, số người chết trong hai tuần qua đã tăng trở lại ở 21 bang, trong đó có Arizona, Florida và Texas.
Các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo các bang không nên dỡ các biện pháp cách biệt cộng đồng quá nhanh, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát khác. Nhiều chuyên gia y tế, bao gồm một số người thuộc chính quyền Trump, nói rằng quyết định mở cửa nhanh của nhiều bang đã châm ngòi cho các đợt bùng phát gần đây, khiến họ buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn. Giới chuyên gia cho rằng các bang phải mất nhiều tuần để có thể làm phẳng đường cong của dịch.
"Arizona, Florida và Texas sẽ phải đương đầu với dịch bệnh tỏng ít nhất 4 đến 6 tuần nữa, hoặc thậm chí là 8 tuần nếu bạn nhìn vào những gì thành phố New York từng trải qua", Shahpar nói thêm.
New York bắt đầu bước dỡ bỏ các biện pháp giới hạn vì Covid-19 từ ngày 8/6 và đang chuyển sang giai đoạn mở cửa thứ 4, cũng là cuối cùng, trong tuần này. Tuy nhiên, thành phố này đã có cách tiếp cận rất thận trọng, khi trì hoãn kế hoạch mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh trong nhà để tránh bùng phát các ổ dịch mới như nhiều nơi khác ở Mỹ.
Nhiều chuyên gia lạc quan rằng việc Trump thừa nhận tác dụng của khẩu trang hồi tuần này, sau nhiều tháng phản đối, có thể giúp tình hình được cải thiện hơn.
"Dù hơi muộn, việc Tổng thống nói rằng đeo khẩu trang là hành động quan trọng và yêu nước vẫn được xem là thay đổi hết sức quan trọng", Andrew Schwab, người phụ trách về chính sách của United States of Care, tổ chức phi chính phủ về chăm sóc sức khỏe cho người dân Mỹ, nhận định.
Thanh Tâm (Theo Politico)