New York từng là tâm dịch Covid-19 tại Mỹ, hiện ghi nhận gần 33.000 người chết trên toàn bang, cao hơn bất cứ địa phương nào của nước này. Nhờ lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào tháng 3 và tháng 4, New York đã kiềm chế đáng kể sự lây lan của nCoV và dần mở cửa trở lại.
Vào giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch tại thành phố New York, năng lực xét nghiệm của Mỹ vẫn tương đối hạn chế. Sau khi năng lực được tăng cường, giới chức thành phố New York bắt đầu khuyến khích toàn dân đi xét nghiệm, kêu gọi mọi người xét nghiệm nhiều lần, đặt mục tiêu 50.000 xét nghiệm mỗi ngày. Vài tuần gần đây, khoảng 20.000-35.000 người được xét nghiệm hầu hết ngày trong tuần, gây áp lực lên các phòng thí nghiệm địa phương.
Giới chức giải thích rằng việc xét nghiệm rộng rãi là yếu tố cần thiết với mục tiêu giảm lây nhiễm từ những ca không triệu chứng và tiền triệu chứng, đối tượng được cho là gây ra phần lớn sự lây lan của nCoV. Tuy nhiên, hàng nghìn người dân New York đang phải chờ một tuần hoặc hơn mới nhận được kết quả. Tại một số cơ sở, thời gian chờ đợi trung bình là 9 ngày.
Các chuyên gia cho biết tình trạng chậm trễ này ảnh hưởng đến khả năng xác định và kịp thời cách ly ca nhiễm, ảnh hưởng tới hiệu quả của chương trình truy vết tiếp xúc, đồng thời cản trở việc giám sát mức độ lây lan của virus, dẫn tới những rắc rối khi New York cố gắng tái mở cửa.
"Tình trạng này đang trở thành một vấn đề. Bất cứ sự trì trệ nào trong quá trình cũng có thể khiến việc xác định ca nhiễm và truy vết tiếp xúc khó khăn hơn", Jay Varma, cố vấn y tế của chính quyền thành phố New York, cảnh báo.
Do đó, một số quan chức và người điều hành phòng thí nghiệm cho rằng chiến lược xét nghiệm cho tất cả của New York không bền vững. "Tôi e là chúng ta phải ưu tiên người xuất hiện triệu chứng, từng tiếp xúc ca nhiễm, hoặc người làm công việc thường xuyên tiếp xúc với đám đông", Mark Levine, lãnh đạo ủy ban y tế hội đồng thành phố New York, nêu ý kiến.
Đáp lại, Gareth Rhodes, trợ lý của Thống đốc Andrew Cuomo, cho biết họ đã ưu tiên xét nghiệm những người xuất hiện triệu chứng nhiễm nCoV hoặc thông báo đã tiếp xúc với ca dương tính, nói thêm rằng một số phòng thí nghiệm có thể trả kết quả trong chưa đầy 24 giờ. "Tuy nhiên, nếu ai đó không có triệu chứng hoặc chưa tiếp xúc ca nhiễm, tôi đỡ lo ngại hơn nếu kết quả được trả lại sau 5-7 ngày", Rhodes nói.
Thị trưởng Blasio hôm 23/7 cho biết ông đang giải quyết tình trạng trả kết quả xét nghiệm chậm trễ, đổ lỗi cho sự gia tăng số ca nhiễm nCoV trên toàn quốc gây quá tải các phòng thí nghiệm. Thống đốc Cuomo cũng nói rằng một số phòng thí nghiệm bị quá tải do nhu cầu từ các bang khác, đồng thời cảnh báo vấn đề có thể tồi tệ hơn vào mùa thu khi mùa cúm tới.
Chính quyền thành phố New York đang tìm cách giảm phụ thuộc vào các phòng thí nghiệm tư nhân, như Quest Diagnostics, nơi số lượng mẫu tồn đọng nhiều đến mức mất tới hai tuần để trả kết quả. Cơ quan y tế New York cũng cam kết tăng cường năng lực xét nghiệm.
Tuy nhiên, viễn cảnh trước mắt dường như khá ảm đạm, phần lớn do nhu cầu xét nghiệm nCoV tăng lên nhanh hơn so với năng lực của các phòng thí nghiệm. Nhu cầu thậm chí có thể lớn hơn nữa khi năm học mới bắt đầu, đặc biệt với một số trường đại học yêu cầu xét nghiệm cho sinh viên.
Cuộc khủng hoảng hiện nay gây liên tưởng tới tình trạng hồi tháng 2 và tháng 3, khi năng lực xét nghiệm hạn chế và một loạt sai lầm tai hại của chính phủ liên bang khiến New York khó phát hiện các ca nhiễm, dẫn tới virus âm thầm lây lan nhanh chóng. Năng lực xét nghiệm của Mỹ giờ đây mở rộng đáng kể, với hơn 750.000 xét nghiệm trên toàn quốc vào một số ngày.
Nhưng ngay cả khi các phòng thí nghiệm cố gắng nâng cao năng suất, rào cản lại tới từ nguồn vật tư. Những hộp đựng mẫu vô cùng quan trọng đối với việc xét nghiệm nhanh đang ngày càng khan hiếm, bác sĩ Dwayne Breining, người giám sát các phòng thí nghiệm tại Northwell Health, hệ thống bệnh viện lớn nhất New York, cho hay, giải thích thêm rằng nguồn cung được phân bổ tới những nơi đang là điểm nóng của đại dịch.
Kết quả là, tính đến đầu tháng 7, 1/4 số xét nghiệm mất tới hơn 6 ngày mới có kết quả, Avery Cohen, phát ngôn viên của thị trưởng New York, cho biết. Một số trường hợp chậm trễ nghiêm trọng nhất diễn ra tại hàng chục phòng xét nghiệm lưu động của công ty CityMD. Hàng nghìn người New York tới những địa điểm này xét nghiệm mỗi ngày.
CityMD gửi nhiều mẫu xét nghiệm nCoV tới một phòng thí nghiệm của Quest Diagnostics ở Teterboro, bang New Jersey, để xử lý. Quest Diagnostics nêu một loạt lý do giải thích cho việc thời gian trả kết quả lâu gấp đôi hoặc gấp ba, bao gồm nhu cầu xét nghiệm tăng khi người lao động trở lại làm việc, hay các bệnh viện tăng cường sàng lọc bệnh nhân.
Những câu chuyện về quá trình mòn mỏi đợi kết quả xét nghiệm nCoV dần trở nên quen thuộc đối với người dân New York. Lee Ziesche, một phụ nữ 31 tuổi, cho biết cô đi xét nghiệm vào ngày 5/7 tại một địa điểm của CityMD trong khu Brooklyn, sau khi bạn cùng phòng của người yêu cô bị ốm. Tới ngày 20/7, Ziesche mới nhận được kết quả.
"Tôi không lo lắng cho bản thân mình đến thế, nhưng cách hệ thống đang vận hành vô cùng đáng lo ngại. Việc mất tới hai tuần để nhận kết quả xét nghiệm khiến chúng tôi rất khó quay lại cuộc sống bình thường", cô nêu ý kiến.
Tới nay, quá trình xét nghiệm chậm trễ dường như chưa để lại hậu quả đáng kể, nhưng làn sóng thứ hai của Covid-19 vẫn rình rập. "Điều đó gây suy yếu nghiêm trọng toàn bộ mục đích của công tác xét nghiệm. Nếu việc trả kết quả xét nghiệm bị trì hoãn tới 7 ngày, bạn có thể chắc chắn rằng virus sẽ lây lan", quan chức New York Levine cảnh báo.
Charles King, thành viên nhóm tư vấn chương trình truy vết tiếp xúc của Tòa Thị chính New York, cho biết việc kéo dài thời gian trả kết quả xét nghiệm khiến quá trình truy vết chỉ đơn giản là theo dõi sự lây lan từ người này sang người khác, thay vì chặn đứng chuỗi truyền nhiễm.
"Sự thật là nếu không thể nhận kết quả trong vòng 24 giờ, lợi ích của hoạt động truy vết cũng bắt đầu mất đi", King nói.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)