Chiều 30/11, phiên xử phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của ông Nguyễn Thành Tài (69 tuổi, cựu phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM), Lê Thị Thanh Thúy (42 tuổi, Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm) và 3 người khác về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015, đã kết thúc phần tranh luận.
Đối đáp khi luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng vụ án không có thiệt hại, đại diện VKS bảo lưu quan điểm trước đó, xác định thiệt hại là 2.554 tỷ đồng - tương đương giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm khởi tố vụ án.
Theo Viện, căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đủ căn cứ xác định ông Tài biết khu nhà đất 8-12 Lê Duẩn là tài sản Nhà nước, thành phố có chủ trương xây dựng khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại, yêu cầu đấu thầu chọn nhà đầu tư uy tín, không áp dụng hình thức liên doanh. Tuy nhiên, năm 2011, ông Tài "do quen biết" Thuý nên ký nhanh, ký nhiều văn bản sai quy định, chủ trương của thành phố; chấp thuận cho công ty của Thuý hợp tác đầu tư 30% vốn và thành lập Công ty cổ phần Lavenue đứng ra thực hiện dự án.
Bị cáo Lê Thị Thanh Thúy đã tự nhận Hoa Tháng Năm là công ty "có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, khách sạn, có năng lực tài chính" để tác động xin tham gia dự án không phải cạnh tranh, không đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án. Thực tế, Công ty Hoa Tháng Năm không có năng lực tài chính và kinh nghiệm, chưa tham gia bất cứ dự án nào.
Theo đại diện VKS, hành vi của ông Tài và các đồng phạm gây thiệt hại 2.554 tỷ đồng. Công ty Lavenue đã nộp ngân sách 647 tỷ đồng nên thiệt hại còn 1.927 tỷ. Việc tòa sơ thẩm xác định thiệt hại là giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm thực hiện hành vi sai phạm - tương đương 900 tỷ đồng và trừ đi số tiền các nhà đầu tư đã nộp vào ngân sách còn lại 252 tỷ đồng "là chưa đúng".
Trước đó, bào chữa cho thân chủ, các luật sư đều cho rằng không có thiệt hại xảy ra nên đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo không phạm tội hoặc giảm nhẹ hình phạt.
Bào chữa cho ông Nguyễn Thành Tài, luật sư Trương Trọng Nghĩa, cho rằng nhà nước không thất thoát gì mà được thu lợi từ khoản tiền 647 tỷ đồng mà các nhà đầu tư đã nộp vào ngân sách hơn 10 năm này. Nếu tính theo lãi suất tiết kiệm số tiền này đến nay lên đến cả 1.000 tỷ đồng.
"Tuy nhiên, Nhà nước không gửi tiết kiệm lấy lãi nhưng khoản lợi này là không thể bác bỏ. Số tiền các nhà đầu tư nộp là theo tính toán và quyết định của các cơ quan nhà nước. Chính các nhà đầu tư mới là người bị thiệt hại lớn trong vụ án này", luật sư Nghĩa nêu quan điểm.
Theo luật sư Nghĩa, đến nay khu đất 8-12 Lê Duẩn vẫn còn nguyên, các nhà đầu tư không thế chấp, chuyển nhượng cho ai và giá trị hiện nay là rất cao. Việc các cơ quan tố tụng cáo buộc ông Tài và các bị cáo phải chịu trách nhiệm về thiệt hại 4,7 tỷ đồng do đập căn biệt thự cũ hơn 40 năm trên khu đất này, thanh lý là chưa cân đối với lợi ích Nhà nước được hưởng từ khoản tiền 647 tỷ đồng mà các nhà đầu tư đã nộp.
Vì tòa sơ thẩm tuyên thu hồi quyền sử dụng đất này giao cho thành phố, do đó luật sư Nghĩa cho rằng không có thiệt hại xảy ra, nếu có thì đã được khắc phục.
Luật sư của bị cáo Thuý đề nghị HĐXX tuyên không phạm tội với vai trò đồng phạm của ông Tài và hủy quyết định thu hồi số tiền gần 190 tỷ đồng đã góp vốn thực hiện dự án tại 8-12 Lê Duẩn.
Nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án, bị cáo Thúy cảm ơn HĐXX và đại diện VKS đã lắng nghe quan điểm của mình trong quá trình xét xử.
"Tôi xin được phát biểu không phải với tư cách doanh nghiệp, người tù mà với tư cách người con", bà Thúy nói và phân trần, từ ngày tham gia góp vốn vào dự án đã phải chịu nhiều ức chế, kinh tế kiệt quệ. Từ khi dự án bị thanh tra cho đến khi bị bắt và ra tòa bà phải giải trình, làm việc với cơ quan nhiều đêm sống trong thấp thỏm lo âu.
"Suốt 8 năm qua tôi không có một ngày nào yên giấc và cảm thấy đau khổ. Thôi thì tôi quyết định sai trong việc liên kết đầu tư thì phải trả giá. Điều khiến tôi trằn trọc nhất là cha mẹ già, hai con cũng bị ảnh hưởng. Tôi chưa làm được gì cho cha mẹ nhưng tôi đã kéo họ vào vòng xoáy đau khổ không biết kêu ai", Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm bật khóc và một lần nữa xin tòa chấp thuận kháng cáo kêu oan.
Cựu phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài cũng cảm ơn HĐXX đã "thấu hiểu và tạo điều kiện" trong quá trình xét xử để ông được trình bày những gì muốn nói.
"Tôi chưa biết kết thúc cuộc đời của mình sẽ như thế nào nhưng rất hạnh phúc vị được lắng nghe. Khi viết đơn gửi cho ban lãnh đạo các cơ quan Trung ương, tôi không trách móc, kể công hay đề cao bản thân... chỉ mong các cơ quan, HĐXX đánh giá một cách công tâm xem xét toàn diện khi ra quyết định", ông Tài nói. Các bị cáo khác cũng xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Hồi tháng 9 năm ngoái, TAND TP HCM xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Tài 8 năm tù, Thúy 5 năm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí ,theo Điều 219 BLHS 2015. Các bị cáo khác từ 3 đến 5 năm tù.
Toà xác định thiệt hại trong vụ án là giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm thực hiện hành vi giao đất - tương đương 900 tỷ đồng. Công ty Lavenue đã nộp ngân sách 647 tỷ đồng nên thiệt hại còn lại là 252 tỷ đồng. Vụ án đã được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, khu đất được thu hồi trả lại cho Nhà nước nên chỉ còn thiệt hại hơn 4,7 tỷ - phần chênh lệch giá trị căn nhà trên đất. HĐXX sơ thẩm tuyên buộc thu hồi số tiền gần 190 tỷ đồng vốn góp của Công ty Hoa Tháng Năm vào thực hiện dự án với lý do đây "là tiền thực hiện hành vi phạm tội".
HĐXX quyết định nghị án kéo dài, sẽ ra phán quyết vào 2/12.
Hải Duyên