Sáng 20/9, sau 4 ngày xét xử, TAND TP HCM đưa ra phán quyết đối với ông Nguyễn Thành Tài, 68 tuổi, và 4 bị cáo về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 BLHS 2015.
Ông Tài mặc áo sơ mi dài tay, ánh mắt đầy vẻ lo lắng. Do đang bị bệnh nặng, ông được HĐXX cho phép ngồi trong thời gian toà nhận định vụ án.
Khu nhà đất rộng gần 5.000 m2 tại số 8-12 Lê Duẩn (quận 1) là tài sản Nhà nước. TP HCM chủ trương xây khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại, yêu cầu đấu thầu chọn nhà đầu tư uy tín, không áp dụng hình thức liên doanh. Tuy nhiên, năm 2011, ông Tài "do quen biết" Lê Thị Thanh Thúy (41 tuổi, Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm) nên đã ký nhanh, ký nhiều văn bản sai quy định, chủ trương của thành phố.
Sau khi cho Thuý góp vốn 30% tham gia thực hiện dự án và trở thành Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Lavenue, ông Tài chỉ định giao đất cho công ty này, hoàn thành chuyển dịch quyền sở hữu khu nhà đất từ Nhà nước sang tư nhân.
Trong đó, các bị cáo Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường); Trương Văn Út (cựu Phó phòng Quản lý đất, Sở Tài Nguyên và Môi trường); Nguyễn Hoài Nam (cựu Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài Nguyên và Môi trường) đã tham mưu cho ông Tài ký các quyết định cho thuê đất, giao đất trái pháp luật.
HĐXX cho rằng, dù các bị cáo có nhận thức khác nhau, nhưng cơ bản đều thừa nhận đã tham gia quá trình soạn thảo, ký nháy, ký đề xuất ban hành những văn bản có ý nghĩa quyết định trong việc chấp thuận chỉ định cho Công ty Laveneu được giao, thuê khu đất 8-12 Lê Duẩn không qua đấu giá. Ông Nguyễn Thành Tài chấp thuận áp dụng hai hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng một dự án là trái quy định.
Tại toà, bị cáo Thuý cho rằng mình là doanh nghiệp, thấy dự án có tính chất khả thi nên đầu tư góp vốn. Tuy nhiên, thực chất Công ty Hoa Tháng Năm mới thành lập, không có năng lực tài chính, không có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn nhưng Thuý vẫn gửi văn bản cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP HCM (chủ đầu tư dự án), tự nhận có đầy đủ điều kiện.
Ngoài lời khai, bị cáo Thuý không có tài liệu chứng minh mình có tài chính đầu tư và kinh nghiệm để tham gia dự án mà ước tính của Công ty quản lý kinh doanh nhà báo cáo là 2.717 tỷ đồng. "Sở dĩ bị cáo Tài đồng ý cho bị cáo Thuý tham gia là do nể nang mối quan hệ quen biết", HĐXX nhận định.
Hành vi của ông Tài, Thuý và các bị cáo đã gây thiệt hại 1.927 tỷ đồng như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, do vụ án đã được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, khu đất được thu hồi trả lại cho Nhà nước nên chỉ còn thiệt hại hơn 4,7 tỷ đồng.
Về quan điểm của các luật sư - đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo, HĐXX cho là không có căn cứ.
Toà cũng ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ như: ông Tài từng tham gia cách mạng, đang bị bệnh ung thư; các bị cáo khác có nhiều bằng khen, huân huy chương...
Từ đó, toà tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Tài 8 năm tù; Lê Thị Thanh Thuý 5 năm tù.
Bị cáo Kiệt bị tuyên 5 năm tù, tổng hợp hình phạt 6 năm 6 tháng tù trong vụ án cựu Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín, bị cáo phải chấp hành 11 năm 6 tháng tù; Trương Văn Út 3 năm tù, tổng hợp với hình phạt 8 năm trước đó, bị cáo phải chấp hành 11 năm tù; Nguyễn Hoài Nam bị phạt 4 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc các bị cáo liên đới bồi thường hơn 4,7 tỷ đồng cho Nhà nước, do "hành vi của từng bị cáo đều mối có quan hệ nhân quả đến hoạt động phạm tội chung và hậu quả chung của tội phạm".
Công ty CP Đầu tư Lavenue phải nộp lại bản chính các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 8-12 Lê Duẩn cho Nhà nước. Đối với số tiền hơn 647 tỷ đồng công ty này đã thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được giao đất, trong đó phần đóng góp vốn của Công ty Hoa Tháng Năm là 30% - 235 tỷ đồng, HĐXX tuyên tịch thu sung công quỹ vì "bị cáo Thuý sử dụng tiền này vào việc phạm tội", trả lại phần tiền góp vốn của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP HCM và Công ty Kido (hai doanh nghiệp liên doanh còn lại).
Liên quan vụ án, 4 công ty thuộc Bộ Công thương đã sang nhượng quyền đầu tư dự án (50%) cho Công ty Kido để kiếm lời 200 tỷ đồng, toà thu hồi số tiền này.
Phiên toà kết thúc, người thân của ông Tài bật khóc, cố gắng đến gần bị cáo nhưng bị cảnh sát ngăn lại.
Bị cáo Lê Thị Thanh Thuý cho biết sẽ kháng cáo kêu oan về toàn bộ bản án, ngay sau phiên toà. Bởi với tư cách là doanh nghiệp tham gia góp vốn, tư cách nhà đầu tư được mời gọi, bà tham gia dự án đến cùng, không chuyển nhượng quyền như 4 công ty thuộc Bộ Công thương; việc bà làm văn bản xin áp dụng 2 phương thức thuê, giao đất là đại diện các cổ đông Công ty Laveneu. Tuy nhiên, toà chỉ xử lý hình sự và tuyên tịch thu 235 tỷ đồng của riêng bà.
Trả lời VnExpress, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (bào chữa cho bị cáo Thuý) nói rằng, qua hồ sơ vụ án và nhất là diễn biến phiên toà trong mấy ngày qua có thể thấy còn nhiều vấn đề pháp lý chưa được xem xét. Trong khi những vấn đề này ảnh hưởng đến việc buộc tội các bị cáo, đến tính công bằng của pháp luật. Chẳng hạn, việc 4 công ty của Bộ Công thương chuyển nhượng vốn góp cho Công ty Kido chưa được làm rõ trong quá trình điều tra và tại phiên toà.
Theo luật sư Trạch, VKS chỉ sử dụng một chứng cứ duy nhất để quy kết bị cáo - lời khai của ông Nguyễn Thành Tài, mà chưa chứng minh được đó là chứng cứ. Điều này là không đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, ảnh hưởng đến tính khách quan, toàn diện của vụ án.
"Các luật sư đã làm hết trách nhiệm của mình, song kết quả không như mong muốn. Chúng tôi mong rằng vấn đề cải cách tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử trong thời gian tới phải có sự chuyển biến để phù hợp với một Nhà nước pháp quyền XHCN", ông Trạch nói.
Quốc Thắng