Giới chức Litva hôm nay thông báo đã triệu hồi nhân viên ngoại giao hàng đầu từ Trung Quốc để "tham vấn" và Đại sứ quán nước này tại Bắc Kinh sẽ "hoạt động từ xa" trong thời gian này.
Một nguồn thạo tin tiết lộ nhóm 19 người gồm các nhân viên đại sứ quán và người thân của họ đã rời Bắc Kinh để tới Paris, Pháp. Nguồn tin khác nhận định động thái của các nhân viên ngoại giao Litva là phản ứng trước "sự hăm dọa".
Hôm nay, tòa nhà Đại sứ quán Litva tại Bắc Kinh dường như trống trơn và không ai phản hồi những lời gọi bên ngoài cũng như các cuộc điện thoại.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bình luận về thông tin.
Đài Loan hôm 18/11 mở văn phòng ở Vilnius với tên gọi "Văn phòng đại diện Đài Loan". Trung Quốc phản đối dùng cụm từ "Đài Loan" để đặt tên vì lo ngại tạo cảm giác hợp pháp quốc tế cho hòn đảo. Các văn phòng đại diện ở nước ngoài của Đài Loan thường được gọi là "Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc".
Trung Quốc sau đó hạ quan hệ ngoại giao với Litva xuống "cấp đại biện" và kêu gọi nước này sửa chữa sai lầm. Theo Điều 14 Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961, những người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao được phân làm ba cấp, trong đó cấp đại biện là thấp nhất so với cấp công sứ và đại sứ.
Văn phòng đại diện của Đài Loan tại Litva được đánh giá là dấu hiệu mới nhất cho thấy một số nước Baltic và Trung Âu đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với hòn đảo. Hồi tháng 5, Litva rút khỏi diễn đàn hợp tác 17+1 của Trung Quốc với các quốc gia Trung, Đông Âu, gọi đây là diễn đàn "gây chia rẽ".
Trung Quốc luôn khẳng định mục tiêu thống nhất hoàn toàn với đảo Đài Loan. Căng thẳng trên eo biển Đài Loan leo thang vài năm qua, sau khi bà Thái Anh Văn, người từ chối công nhận chính sách "Một Trung Quốc", trở thành lãnh đạo hòn đảo năm 2016.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)