Thứ tư, 20/11/2024
Chủ nhật, 11/4/2021, 16:00 (GMT+7)

Trang phục thời Đường trong 'Mulan'

Phim Mulan tái hiện văn hóa ăn mặc thời nhà Đường qua những bộ cánh màu sắc nổi bật.

"Mulan" - bộ phim ngốn 200 triệu USD của Disney - giành được một trong năm đề cử hạng mục Phục trang xuất sắc của Oscar 2021 - trao giải vào ngày 25/4. Trên Variety, Nhà thiết kế Bina Daigeler cho biết trang phục trong phim lấy cảm hứng từ quần áo thời nhà Đường, với tay áo dài, eo quấn đai cao và gấu váy dài chạm đất. Toàn bộ trang phục đều được nhuộm, thêu và cắt may thủ công.

Trailer Mulan
 
 

Trailer "Mulan". Video: Disney.

Trong phân cảnh tập luyện, chiến trường, Daigeler chọn màu đỏ chủ đạo tạo không khí sôi động. Trên Hanfu Girl, Gong Pan Pan - chuyên gia nghiên cứu lịch sử trang phục Trung Quốc - phân tích sắc màu này tượng trưng cho sự trung thành của Mộc Lan (Lưu Diệc Phi đóng) và đồng đội với triều đình.

Bộ giáp của Mộc Lan được nhà thiết kế đặc biệt chú trọng, với tiêu chí vừa gọn nhẹ vừa thể hiện chất dũng mãnh. Daigeler đã làm việc với các nghệ nhân ở New Zealand để phát triển một kỹ thuật khâu tay tạo hiệu ứng ánh kim trên bề mặt vải, khiến chiếc áo giáp giống làm bằng kim loại nhưng thực chất là vải.

Ngoài những cảnh chiến đấu, trang phục của quan quân, binh lính triều đình mang màu sắc chủ đạo gồm đỏ, tím, xanh lơ, xanh lá cây. Phụ nữ mặc các bộ áo váy có ít nhất năm màu trên một tổng thể - đặc trưng của trang phục phụ nữ thời Đường.

Bộ áo choàng màu tím của Mộc Lan trong phân cảnh mai mối cũng là một điểm nhấn đặc sắc của phim, lấy nguyên gốc từ phim hoạt hình. Tuy nhiên, để mang lại diện mạo mới lạ, Daigeler đã kết hợp trang phục nguyên mẫu thời nhà Đường và "Hanfu" - trang phục truyền thống của người Hán phổ biến ở thế kỷ 17. Chiếc áo mang nhiều lớp, trang trí họa tiết thêu tay ở đường viền, kết hợp đai lưng ngoài cùng, tạo nên những cảnh xoay người ấn tượng.

Khuôn mặt của Mộc Lan trong đoạn phim này gây chú ý khi được trang điểm với bảy lớp tô vẽ. Trán tô vàng và má ửng đỏ của Hoa Mộc Lan tượng trưng cho may mắn. Bông hoa mận ba cánh trên trán có nguồn gốc từ truyền thuyết thời Nam - Bắc triều là "Thọ Dương hoa mai rụng". Theo truyền miệng, công chúa Thọ Dương có lần nằm dưới gốc cây mai, hoa rụng lên trán nàng. Các cung nữ bắt chước vẽ hình hoa mai lên trán, sau này mở rộng thành hình các hoa văn khác.

Để tạo nên những bộ cánh mang đậm văn hóa Trung Quốc, Daigeler đã tới tham quan các cuộc triển lãm của nước này tại các bảo tàng ở London và châu Âu. Cô cũng dành ba tuần tìm hiểu văn hóa trang phục của nhà Đường trong bảo tàng tại Thượng Hải, Bắc Kinh và Tây An. Nhà thiết kế không tham khảo ý kiến của các cố vấn địa phương về trang phục mà dựa vào trực giác của bản thân.

>> Xem thêm: 'Mulan': Khi công chúa Disney thành siêu anh hùng

Thảo Mai (ảnh: Disney)