Tình trạng này đã kéo dài nhiều tháng nay, từ ho khan, có lúc có đờm, sốt nhẹ về chiều, đến gầy sút cân, bệnh nhân tự điều trị bằng thuốc kháng sinh. Gần đây, anh đau tức ngực, khó thở ngày càng tăng nên đến viện kiểm tra.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, ngày 10/9, siêu âm, chụp cắt lớp lồng ngực, phát hiện màng phổi trái có nhiều dịch. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc lao màng phổi, chọc dò màng phổi trái dẫn lưu 1.000 ml dịch màu vàng chanh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng. Hằng năm, thêm khoảng 10 triệu bệnh nhân được phát hiện lao, khoảng 1,4 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu. Từ năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động và làm gián đoạn công tác phát hiện, điều trị bệnh nhân lao. Tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao trên thế giới năm 2020 giảm khoảng 20%, ở Việt Nam là 3%.
Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ phát bệnh đến tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
Bác sĩ khuyến cáo người đang mắc bệnh lao cần điều trị thật tích cực, tuân thủ theo chỉ định điều trị, uống thuốc đúng giờ, đều đặn, đủ thời gian để tránh tái phát (6-8 tháng), không chủ quan, không được bỏ thuốc đang điều trị.
Những người bệnh lao đã điều trị khỏi nên khám định kỳ để được theo dõi, phòng bệnh tái phát.
Duy trì chế độ chăm sóc, nghỉ ngơi, dinh dưỡng giàu protein, giàu vitamin, ăn nhiều hoa quả tươi, đảm bảo đủ năng lượng. Kiêng rượu, bia và các chất kích thích, không hút thuốc lá để phòng các bệnh về đường hô hấp.
Thùy An