Tổng kết hoạt động phòng chống lao ngày 11/12, tiến sĩ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP HCM, cho biết tỷ lệ phát hiện bệnh đạt khoảng 60% số trường hợp mắc lao mới trong cộng đồng. Đây là nguyên nhân chính làm dịch lao kéo dài.
Từ năm 2014, TP HCM bắt đầu thực hiện chương trình Chăm sóc đúng, mục tiêu chủ động tầm soát phát hiện bệnh lao sớm, điều trị sớm, giảm lây nhiễm ra gia đình và cộng đồng. Chương trình thiết lập mạng lưới cộng tác viên, tư vấn viên trên từng phường xã đến gia đình có người mắc lao mới được phát hiện, vận động các thành viên đến cơ sở y tế khám, chụp X-quang miễn phí. Mạng lưới này còn tiếp xúc những người có nguy cơ mắc lao, nhóm dân cư hoàn cảnh khó khăn để vận động đi tầm soát.
Thành phố tổ chức những cuộc chụp X-quang lưu động vào thứ bảy, chủ nhật tại các địa điểm gần nơi cư trú để chụp Xquang cho người nghi lao đã được tư vấn và sàng lọc. Những người đã được chẩn đoán lao được vận động đi điều trị. Sau 5 năm thực hiện, thành phố phát hiện thêm hàng chục nghìn người mắc bệnh, giảm tỷ lệ bỏ điều trị.
Vi khuẩn lao có thể tồn tại trong cơ thể người dưới nhiều trạng thái. Khi vi khuẩn thâm nhập lần đầu vào cơ thể, gọi là lao tiềm ẩn. Việc nhiễm lao tiềm ẩn có thể được cơ thể loại trừ qua khả năng miễn dịch tự nhiên. Nếu vi khuẩn không bị tiêu diệt, chúng có thể gây nhiễm lao. Khi không được điều trị, nhiễm lao tiềm ẩn có thể trở thành lao hoạt động và lây nhiễm cho người tiếp xúc. Chẩn đoán và điều trị lao tiềm ẩn có ý nghĩa quan trọng với cuộc chiến chấm dứt bệnh lao.
"TP HCM sẽ tiếp tục nâng cao năng lực mạng lưới phòng chống lao, phấn đấu chấm dứt dịch lao vào năm 2030 theo chiến lược cả nước", bác sĩ Giang nói.
Việt Nam đứng thứ 14 trong số 22 quốc gia chịu gánh nặng bệnh lao cao. Hàng năm nước ta có gần 130.000 bệnh nhân lao mắc mới và gần 17.000 người chết vì lao.