"Lao đã tồn tại hàng ngàn năm và là căn bệnh lâu đời nhất. Trước đây, ngành y tế đợi người dân xuất hiện triệu chứng mới điều trị nhưng như thế không đủ, phải chủ động đến với người dân", ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, nói tại buổi Hợp tác y tế chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam, ngày 15/12.
Việt Nam đang triển khai chiến lược 2X tại 7 tỉnh thành, dự tính tiếp tục mở rộng ra 25 địa phương trên cả nước. Chiến lược 2X gồm X-quang và Xpert - nhằm sàng lọc và phát hiện những người mắc bệnh lao ngay cả khi chưa có triệu chứng.
"Đây là công cụ sớm để phát hiện nguồn lây, khoanh vùng để từ đó tiến tới chấm dứt căn bệnh này", ông Nhung nói.
Theo ông Nhung, 29 xe X-quang cùng hệ thống 200 máy xét nghiệm Xpert di động trực tiếp "tới từng ngõ ngách, từng gia đình" để tiến hành tầm soát. Trong 9 tháng qua, chiến lược 2X đã triển khai tại 18 huyện và phát hiện hơn 1.600 người mắc lao ngoài khám bệnh thường quy, từ đó tìm được những người nhiễm lao tiềm ẩn. Chiến lược này tiếp tục được nhân rộng ra 25 tỉnh thành trong tháng 12.
"Lợi ích của việc phát hiện sớm bệnh lao vô cùng lớn, vừa phóng tránh cho bản thân và ngăn ngừa lây lan ra gia đình, cộng đồng", ông Nhung chia sẻ.
Theo thống kê của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID), trên thế giới, có khoảng 75% bệnh nhân lao phải vay nợ, khoảng 50% phải bán tài sản gia đình.
Phó giáo sư Nguyễn Bình Hòa, Phó trưởng Ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia, cho biết Việt Nam hiện là nước có gánh nặng bệnh lao cao. Theo thống kê mới nhất, mỗi năm Việt Nam có khoảng 176.000 ca mắc mới và 13.000 ca tử vong do lao. Căn bệnh này cũng để lại gánh nặng lớn cho hệ thống y tế cũng như sự phát triển toàn diện, làm giảm năng suất lao động. Cụ thể, có tới 63% hộ gia đình của bệnh nhân lao phải gánh chịu chi phí thảm họa do bệnh lao, chiếm trên 20% thu nhập của hộ gia đình. Sự nghèo khó lại đẩy những gia đình này vào nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tại buổi giới thiệu Dự án Phát triển Hệ thống Y tế bền vững, hôm nay, cũng cho biết mục tiêu của Việt Nam là chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Dịch tễ bệnh lao đang giảm, nhưng quá chậm (trung bình mỗi năm khoảng 4%). Vì vậy, cần nhanh chóng mở rộng áp dụng công cụ chẩn đoán mới, thuốc mới, vaccine mới, các tiếp cận can thiệp mới nhằm phát hiện và điều trị sớm để cắt đứt nguồn lây, điều trị lao tiềm ẩn để cắt nguy cơ nhiễm tiến triển thành bệnh lao và huy động sự tham gia của các đối tác trong và ngoài nước vào công tác phòng chống lao.
Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock, cho biết là một quốc gia có thu nhập trung bình, với nguồn hỗ trợ nước ngoài dành cho y tế giảm dần, Việt Nam cần tăng cường hệ thống y tế và huy động nguồn lực trong nước nhằm duy trì bền vững chương trình HIV và Lao. USAID sẽ phối hợp với chính phủ Việt Nam trong huy động nguồn lực trong nước và xây dựng cơ chế tài chính bền vững, giúp Việt Nam trên tiến trình hướng tới tự lực trong lĩnh vực y tế, tự chủ về tài chính, hành chính và chuyên môn trong các nỗ lực phòng chống HIV/AIDS và Lao.