Đọc bài "Ra sân bay đi du lịch mới biết bị cấm xuất cảnh vì nợ thuế", tôi thấy nhiều bạn chứng kiến những trường hợp cả gia đình đi du lịch nước ngoài, ra sân bay mới biết mình bị ngăn chặn xuất cảnh do nợ thuế.
Điều này làm bị động, gãy kế hoạch đã lên lịch trước và gây thiệt hại cho những cá nhân, doanh nghiệp.
Đáng chú ý là có trường hợp chỉ nợ thuế 997.000 đồng đến khoảng vài triệu cũng nằm trong danh sách cấm xuất cảnh. Ở góc độ quyết định các cơ quan chức năng, có ý kiến cho rằng cơ quan chức năng có thể không sai, bởi họ căn cứ theo luật và các quy định kèm theo.
Theo đó, rất rạch ròi chuyện"có nợ và không nợ", hoàn toàn không lưu tâm đến chuyện số nợ là ít hay nhiều. Bởi xét về bản chất, đã nợ (quá hạn) thì phải thanh toán theo đúng quy định, đúng thời gian.
Còn đứng về quyền lợi của các cá nhân và doanh nghiệp, việc đơn phương thông báo và đề nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn xuất cảnh có thể chưa hợp lý cả về lý và về tình.
Về lý, chuyện các số liệu không khớp giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế, việc cập nhật chậm trễ dẫn đến vẫn ghi nhận việc nợ của doanh nghiệp là điều sơ suất khó tránh khỏi.
Đó là chưa kể, những bận rộn, khó khăn trong nội bộ doanh nghiệp, những việc khiếu nại, xin trì hoãn trong quá trình xem xét cũng có những độ trễ và độ vênh nhất định.
Về tình, chuyện những khoản nợ nhỏ nhoi so với doanh nghiệp (như trường hợp nợ 997.000 đồng hay vài triệu) như đã xuất hiện, thì có đáng để tiến hành biện pháp cưỡng chế mạnh vậy hay không, cũng là điều cần cân nhắc.
Như đã nói, bản chất nợ là phải trả, không phân biệt ít hay nhiều. Nhưng để cá nhân hay doanh nghiệp phải chịu thiệt gấp nhiều lần với các chi phí bỏ ra (vé máy bay, tiền thuê khách sạn, chi phí du lịch căn bản, phí dự hội nghị...) chưa kể đánh mất các cơ hội quý giá, sẽ là điều cả hai bên đều nên xót. Không cứ gì chỉ mình cá nhân, doanh nghiệp.
Vậy có cách nào để khắc phục tình trạng này, giúp cho các cá nhân doanh nghiệp tránh tình trạng bị động, không biết trước các biện pháp cấm xuất cảnh đã áp dụng cho mình hay không?
Theo tôi là có, và khá dễ dàng nữa. Đó là việc thiết lập các trang tra cứu mà ai cũng có thể truy cập dễ dàng. Khi các Chi cục thuế và Hải quan đưa danh sách đề nghị cấm xuất cảnh, các nhân viên xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu cũng phải dựa vào việc tra cứu trên phần mềm bằng cách gõ họ tên, ngày tháng năm sinh, căn cước công dân... để xác định đúng đối tượng bị ngăn chặn.
Vậy thì, các cá nhân, doanh nghiệp thiết nghĩ cũng nên có một app, phần mềm để có thể chủ động tra cứu ngay tình trạng xuất cảnh của chính mình. Điều này giống như hiện nay, mọi người có thể tra cứu tình trạng duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
Hoặc trong lãnh vực xử phạt về giao thông, cá nhân ai cũng có thể tra cứu xác định các lỗi bị phạt nguội của xe máy, ôtô. Hay cao hơn, những người muốn mua nhà đất đều có thể tra cứu trước tình trạng của bất động sản đó một cách tin cậy.
Tôi nghĩ, chỉ cần một đơn vị được giao nhiệm vụ thiết lập trang tra cứu này, thì việc cá nhân doanh nghiệp sẽ chủ động giải quyết những vướng mắc của mình. Còn hơn xách va ly ra sân bay mới ngỡ ngàng vì không được xuất cảnh. Nhất là trong trường hợp chỉ nợ những số tiền không đáng.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.