"Tôi biết một gia đình bốn người mua tour du lịch Nhật Bản. Khi họ ra đến sân bay thì người cha bị cấm xuất cảnh do nợ thuế. Không biết nợ bao nhiêu nhưng tôi thấy không ổn lắm".
Độc giả nickname 11g30ngay30.4.1975 kể trường hợp bị cấm xuất cảnh do nợ thuế, chỉ khi ra sân bay đi du lịch cùng gia đình mới biết thông tin. Câu chuyện này nằm trong bài viết giám đốc một doanh nghiệp tại TP HCM bị cấm xuất cảnh vì nợ thuế 997.000 đồng.
Độc giả HT DC kể: "Tôi đã gặp hai trường hợp đi du lịch với gia đình, khi họ ra sân bay mới biết bị cấm xuất cảnh do nợ vài triệu đồng tiền thuế.
Nếu cấm xuất cảnh một công dân, nên gửi đến người bị chế tài thông báo để họ biết nguyên nhân. Từ đó họ khắc phục ngay chứ không phải để đến khi ra sân bay để đi công tác hoặc du lịch thì mới biết mình bị cấm xuất cảnh".
Một số độc giả cho rằng bị cấm xuất cảnh với số nợ thuế ít là cứng nhắc. Độc giả Tiến sỹ Gàn nói:
"Nhiều người hay thật, nợ thuế nhà nước mà tư duy cảm tính, lối nghĩ có thể xuê xoa, trễ nải như việc cá nhân nợ nhau tiền vay giật tiêu tạm vậy.
Việc tránh nợ thuế của doanh nghiệp thực ra kiểm tra kiểm soát khá dễ. Đầu kỳ mới nộp báo cáo kỳ trước, chờ phản hồi chấp nhận trong 24h, trong vài ngày sau có thể truy vấn nợ và đóng thuế. Thuế điện tử bây giờ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp để hoàn thành nghĩa vụ.
Cái chính là người của doanh nghiệp ấy, cứ nhớ nhớ quên quên, việc nọ đuổi việc kia thì mới để xảy ra tình trạng nợ. Lịch nộp đã có, thời hạn hoàn thành cho cả tháng để làm, số liệu người nộp thuế cũng nắm chứ có phải là bất chợt tự nhiên khoản thuế rơi xuống đâu mà bảo máy móc quyết định.
Các bạn biết có bao nhiêu doanh nghiệp đang tồn tại không, lấy lý do linh động rồi mỗi doanh nghiệp nợ triệu hơn triệu kém là thành con số khủng, rồi nó thành tác phong làm việc thiếu chỉnh chu, buông lỏng ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ.
Quy định đã có, thời hạn đã biết, lượng thời gian cho hoàn thành công việc không hề eo hẹp thì cứ đúng nguyên tắc mà làm là chuẩn nhất.
Giám đốc muốn mình không ảnh hưởng công việc thì cũng phải cho nhân viên kiểm soát kỹ càng, không thể để doanh nghiệp mình sai lại quy kết máy móc".
Đồng quan điểm, độc giả ptritprogue cho rằng:
"Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nợ 1.000 tỷ hay 1 triệu đồng đều là nợ. Một người nợ 1 triệu đồng được đối xử 'khoan hồng' thì gần 100 triệu người dân còn lại cũng phải được như vậy. Thế thì chỉ cần 1.000 (0.001% dân số) nợ 1 triệu đồng thì số tiền đã lên 1 tỷ đồng. Tương tự, có khoảng 850 nghìn doanh nghiệp ở Việt Nam.
Với số tiền nợ 1 triệu đồng, nhiều người cho rằng được xem là mức nhẹ, có thể được 'miễn' các chế tài thì vậy bao nhiêu nên được xem là nặng?
Tôi ủng hộ các cơ quan hành pháp thực thi nghiêm minh và chính xác quy định của pháp luật. Phạt nặng và phạt đúng quy định. Thời gian đầu sẽ rất 'đắng' với nhưng sẽ là cần thiết để bảo đảm sự hiệu quả của hệ thống pháp luật Việt Nam".
Trong khi đó, độc giả Life38ht trích dẫn thông tin và nêu thắc mắc?
"Năm 2015, Bộ Tài chính từng đề xuất ngưỡng nợ thuế áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với tổ chức sản xuất kinh doanh từ 1 tỷ đồng trở lên và cá nhân từ 50 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, hiện tại quy định này chưa được áp dụng"
Việc nợ thuế có chế tài riêng để truy thu, luật chưa quy định nợ thuế là cấm xuất cảnh mà bên hải quan đã cấm. Người ta đi công tác, du lịch, chữa bệnh... lỡ bao việc của họ, bên nào đứng ra chịu trách nhiệm cho việc này?".
Độc giả Quang Thanh nói thêm:
"Chưa chắc số nợ thuế trên là đúng. Bản chất doanh nghiệp bên tôi cũng thường xuyên nhận những văn bản nợ thuế vài triệu hay vài chục nghìn đồng nhưng khi đối chiếu lại thì do cơ quan thuế cập nhật số liệu chưa khớp.
Cho nên trước khi ra văn bản cấm xuất cảnh thì cơ quan hải quan và cơ quan thuế nên làm việc lại với doanh nghiệp để đối chiếu xác mình đó là số nợ đúng. Nếu trong thời hạn bao nhiêu ngày cố tình không trả có thể ra văn bản cấm xuất cảnh. Tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi dưa trên con số chưa được đối chiếu hai bên".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.