Jojol, tài khoản YouTube có 2,3 triệu người theo dõi, thử khả năng chống xước của iPhone bằng cách dùng chìa khóa cọ xát bề mặt kính, đặt máy cùng chùm chìa khóa trong túi quần, hay trộn lẫn với các vật kim loại khác. Smartphone mới của Apple gần như không bị tác động trong các tình huống này.
Trong bài kiểm tra đặc biệt, Jojol sử dụng máy khoan khoan trực tiếp lên màn hình iPhone 13, nhưng bề mặt này không bị trầy xước hay hư hỏng. Apple hiện trang bị cho loạt smartphone mới kính cường Ceramic Shield tương tự iPhone 12.
Tài khoản YouTube Gupta Information Systems thử độ bền của iPhone 13 bằng cách ngâm nước đá trong 24 giờ. Sau khi rã đông, máy hoạt động bình thường. Người này cũng dùng dao cạo khiến lớp sơn trên khung máy bị bong tróc. Còn với thử nghiệm khả năng chống trầy xước, lớp kính mặt trước đạt độ cứng cấp độ 8 - cao nhất từ trước đến nay, trong khi mặt sau đạt cấp độ 6. Cuối cùng, YouTuber này thử bẻ cong iPhone nhưng không thành công.
TechRax, tài khoản chuyên đưa ra các bài kiểm tra độ bền "hạng nặng", thử thách iPhone 13 Pro bằng dao và búa. Với dao nhọn, phần khung thép iPhone bị trầy nhẹ, trong khi hai bề mặt màn hình không bị tác động.
Ở bài kiểm tra bằng búa, iPhone 13 Pro cũng chứng tỏ độ cứng cáp khi liên tục chịu được các cú đập với lực mạnh. Đến cú đập thứ 13, máy bắt đầu cong vênh nhưng hoạt động bình thường. Đến lượt đập thứ 43, màn hình bị nứt và tới lần thứ 46, máy mới bị hỏng hoàn toàn.
Tài khoản EverythingApplePro thả rơi hai mẫu iPhone 13 Pro và 13 Pro Max ở độ cao lần lượt là 0,6 m, 1,2 m, 2 m và 5 m. Ở bài thử 5 mét, cả hai mới bị nứt vỡ màn hình và mặt sau, nhưng vẫn sử dụng bình thường.
Tài khoản Bricophone đã dùng bóng bay đưa iPhone 13 lên độ cao 90 mét rồi thả rơi trên nền đất, và sử dụng drone thả máy ở độ cao 50 mét trên nền đá cứng. Ở cả hai trường hợp, máy đều hoạt động, nhưng thử nghiệm thứ hai khiến máy bị nứt lớp kính phía sau.
Ngoài việc thử độ bền, các video "hành hạ" iPhone còn được thực hiện với mục đích thu hút sự chú ý của người xem.
Bảo Lâm tổng hợp