Trên trang thương mại điện tử nổi tiếng AliExpress của Trung Quốc, lớp niêm phong (seal) của iPhone 13 được bán với giá 30 USD (683.000 đồng) cho 100 tấm. Chúng được thiết kế không khác so với seal thật và khó nhận biết bằng mắt thường.
DuanRui, tài khoản Weibo từng chia sẻ thông tin chính xác về thiết bị chưa ra mắt của Apple, cũng đăng video về cách dán seal mới cho hộp iPhone 13 Pro Max. Các thao tác khá đơn giản, diễn ra trong khoảng một phút.
"Với việc xuất hiện tại Trung Quốc, seal giả có mặt tại Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian", Đình Long, một người chuyên kinh doanh iPhone xách tay tại TP HCM, cho biết.
Hộp iPhone 13 sử dụng lớp seal bằng giấy mỏng, thay thế cho màng bọc bằng nilon trên các thế hệ iPhone trước đó. Anh Long đánh giá, so với chất liệu nilon cũ, lớp giấy mới dễ làm giả hơn do chỉ là miếng giấy kèm lớp keo. Do đó, các mẫu iPhone 13 đã mở hộp có khả năng được tân trang và bán lại với giá cao hơn.
Trước đây, tình trạng "đóng seal" cho iPhone cũng đã diễn ra, thường là ở các cửa hàng bán điện thoại xách tay. "Đa số iPhone nhập về qua đường tiểu ngạch ở dạng máy trần. Các chủ cửa hàng sau đó đóng hộp kèm phụ kiện để bán được giá hơn", anh Long nói. "Thậm chí, một số cửa hàng tự ý mở hộp để tráo phụ kiện kém chất lượng, sau đó dán seal trở lại. Các phụ kiện 'xịn' được bán riêng để kiếm lời".
Các chuyên gia khuyến cáo, người dùng cần kiểm tra kỹ seal máy trước khi mua hàng. Chẳng hạn, với iPhone 13, phông chữ in trên lớp giấy niêm phong có thể khác với phong cách của Apple, miếng dán bị lệch... Người mua cũng nên chọn iPhone tại cửa hàng uy tín, có bảo hành.
Bảo Lâm