Một đứa trẻ được người lớn khuyến khích sẽ có nhiều khác biệt với trẻ không nhận được sự động viên từ cha mẹ, thầy cô. Khen ngợi đúng lúc với phần thưởng thú vị còn giúp các em thấy rằng, mọi nỗ lực dù ở bất cứ lĩnh vực nào đều xứng đáng được ghi nhận. Đó là quan điểm giáo dục ở ngôi trường mà con gái tôi đang theo học.
Con gái tôi đang học lớp 4 một trường tư ở Hà Nội. Suốt những năm qua, nhà trường luôn áp dụng hình thức khen thưởng cho học sinh, đó là tất cả hoạt động trên lớp như phát biểu ý kiến xây dựng bài, đạt điểm thi cuối tháng các môn đạt từ điểm 9 trở lên, lau bảng, quét lớp, chép chính tả nội dung bài tiếng Anh đã học trên lớp vào vở nhiều lần, tích cực tham gia phong trào của lớp và nhà trường... đều được các thầy cô giáo quy đổi thành sao.
Đến cuối tháng, giáo viên chủ nhiệm sẽ tổng kết sao và chọn ra ba học sinh có số sao cao nhất để vinh danh, phát giấy khen và phần thưởng. Hình thức khen thưởng này có ưu điểm là khích lệ học sinh thi đua cố gắng học tập để lọt vào top 3 trong lớp. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng sẽ có những em không bao giờ được khen thưởng, nên không động viên được cả lớp.
Từ năm học này, nhà trường đã thay đổi hình thức khen thưởng mới nhằm khuyến khích, động viên tinh thần các em học sinh tích cực học tập và tham gia các phong trào, hoạt động. Cụ thể, học sinh đóng vai là "người lao động" và được "trả lương" hàng tháng tùy theo năng lực, sự cố gắng vượt lên chính mình, rèn luyện đạo đức, ý thức học tập, tích cực trong các hoạt động của trường, lớp.
Học sinh sẽ được sử dụng "đồng lương" nhận được từ sự nỗ lực của bản thân để mua sắm hoặc để dành tiền (mua thứ có giá trị hơn) dưới hình thức phát hành. Nhà trường in tiền tượng trưng để sử dụng trong nội bộ, trả lương cho học sinh vào cuối tháng. Học sinh muốn nhận được lương cao cần chăm chỉ học tập, đạt nhiều điểm cao, tích cực tham gia các hoạt động của trường. Đến cuối tháng, giáo viên chủ nhiệm sẽ tổng kết số sao của từng học sinh và quy đổi thành số tiền trả cho từng em.
Sau đó, thầy cô giáo chủ nhiệm sẽ dẫn học sinh lớp mình vào siêu thị của trường để các con tự chọn những đồ mình yêu thích trong phạm vi số tiền mình nhận được. Nếu học sinh mua chưa hết số tiền hiện có thì sẽ được gửi tiết kiệm để mua vào tháng tiếp theo. Sổ tiết kiệm sẽ có giá trị sử dụng trong năm học đó, không được tích lũy sang năm học sau.
Cứ đến cuối tháng, con gái tôi đi học về lại hào hứng khoe mẹ số tiền lương con nhận được ở lớp và những món quà nhỏ con đã mua được từ siêu thị nhỏ của trường. Đó có thể là những cuốn sổ tay, bút chì, tranh đính đá, thước kẻ, gấu bông, hộp bút, sticker, sách, truyện, nhãn vở, vở viết, hộp bút màu, ba lô...
Phải công nhận rằng, kể từ khi trường thực hiện phong trào này, học sinh toàn trường đều rất hưởng ứng và tích cực thi đua học tập, rèn luyện tốt hơn. Tôi cũng như các bậc phụ huynh lớp con tôi đều rất thích hình thức khen thưởng này. Bởi động viên, khích lệ, khen thưởng đúng mực sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và thúc đẩy không khí thi đua chung của tập thể. Còn bạn thấy thế nào?
- Nỗi buồn giấy khen tiểu học
- Quan trọng hóa giấy khen tiểu học
- 'Chỉ nên trao giấy khen cho học sinh xuất sắc'
- Tôi chọn cách thưởng tiền để con học tốt