Theo Nghị quyết, chính quyền địa phương ở TP HCM gồm HĐND và UBND ở cấp thành phố; chính quyền cấp quận, phường là UBND quận, phường (không có HĐND).
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021. Việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM thực hiện từ 1/7/2021.
HĐND và UBND TP HCM thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và quy định khác liên quan. Trong đó, UBND TP HCM giao nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm của UBND quận.
HĐND TP sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận; thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch quận được thực hiện theo quy định của Quốc hội.
Đại biểu HĐND TP có quyền chất vấn Chủ tịch UBND quận, Chánh án TAND quận, Viện trưởng Viện KSND quận. HĐND TP xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn.
HĐND TP cũng bầu Hội thẩm TAND quận theo giới thiệu của Ủy ban MTTQ TP; miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm TAND quận theo đề nghị của Chánh án TAND TP sau khi thống nhất với Ủy ban MTTQ VN cùng cấp.
Chủ tịch UBND TP HCM có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND quận; đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND quận.
UBND quận làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; gồm chủ tịch quận và không quá 3 phó chủ tịch.
Chủ tịch quận chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP HCM và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của quận.
Chủ tịch quận được bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác Chủ tịch và Phó chủ tịch phường trực thuộc.
UBND quận thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc UBND TP; quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách; chịu trách nhiệm về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ quận đến cơ sở, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính...
UBND quận có trách nhiệm đề xuất, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh; biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trên địa bàn.
UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; gồm chủ tịch và không quá 2 phó chủ tịch. Công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của tổ chức cấp trên.
Chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận hoặc trước Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của phường.
UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc UBND quận hoặc UBND thành phố thuộc Thành phố; đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công với cấp trên quản lý trực tiếp...
Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố.
Hôm 12/11, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM; và trong dự thảo nghị quyết nêu trên đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND thành phố Thủ Đức.
Theo đó, HĐND thành phố thuộc thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác liên quan; quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C....
UBND và chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn tương tự cấp quận.
Trước đó, tháng 11/2019, Quốc hội thông qua nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Tháng 6/2020, Quốc hội thông qua nghị quyết thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Từ tháng 7/2021, TP Hà Nội và Đà Nẵng cùng đồng thời thí điểm thực hiện chính quyền đô thị.
Viết Tuân - Hoàng Thùy