Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết như trên trong phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, ngày 12/11.
Theo ông, việc lập thành phố trực thuộc thành phố hay thành phố thuộc tỉnh nằm trong thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghĩa là không cần xin ý kiến của Quốc hội.
"Chúng ta thành lập luôn chứ không chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm thành phố Thủ Đức, vì trong Luật đã cho phép", ông Tân nói và cho biết trong dự thảo nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND thành phố Thủ Đức.
Về việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, dự thảo nghị quyết nêu ở cấp thành phố, chính quyền gồm có HĐND và UBND như hiện nay; còn ở quận, phường sẽ tổ chức UBND, không có HĐND.
Các nhiệm vụ của cơ quan dân cử cấp quận, phường được điều chuyển cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố và UBND quận, phường để bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ.
UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; có nhiệm vụ phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của UBND phường trực thuộc để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.
UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; cán bộ, công chức làm việc ở các tổ chức cấp phường thuộc biên chế của tổ chức cấp trên.
Theo một số đại biểu, việc không tổ chức HĐND quận, phường nhằm đáp ứng ít nhất 2 yêu cầu. Đầu tiên là đạt hiệu quả tối ưu trong giải quyết yêu cầu của người dân thực chất và nhanh hơn mà không thông qua các cấp trung gian. Hai là góp phần tinh gọn bộ máy chính quyền, bảo đảm sự liên thông, điều hành thống nhất, linh hoạt, phù hợp với đặc thù của địa bàn "siêu" đô thị.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng, thật khó hình dung một đô thị sôi động bậc nhất cả nước, nhưng mô hình lại khoác "chiếc áo búp bê Nga đồng hạng", nghĩa là mô hình chính quyền ở TP HCM tương tự như chính quyền ở các vùng nông thôn khác.
"Hàng chục năm nay, quy mô kinh tế xã hội, công tác quản lý nhà nước đã có những chuyển biến sâu sắc, đòi hỏi phải kịp thời thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển cho địa phương", ông Nhân nêu quan điểm.
Đại biểu Tô Ái Vang cũng đồng tình với định hướng xây dựng chính quyền đô thị TP HCM với xu hướng quản trị số hóa, áp dụng chính quyền điện tử liên thông ba bộ phận thể chế hành chính, bộ máy tổ chức và con người.
Dự kiến sáng 16/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM.
Theo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính tại TP HCM được Bộ Nội vụ thống nhất, ba quận phía Đông thành phố là 2, 9 và Thủ Đức sẽ sáp nhập thành đơn vị hành chính mới là TP Thủ Đức.
TP Thủ Đức có quy mô dân số hơn một triệu người, diện tích gần 212 km2, kỳ vọng trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy TP HCM và Đông Nam Bộ phát triển.