Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Phó giám đốc Sở Y tế) chiều 11/11 cho biết, hiện thành phố có 310 trạm y tế cố định. Căn cứ theo Thông tư liên tịch số 08/2007 của liên Bộ Y tế, Bộ Nội vụ về biên chế tối thiểu cho trạm y tế thì nhân sự không đủ chỉ tiêu. Cụ thể, 52 trạm được phân bổ từ 5 nhân sự trở xuống; 173 trạm có 6-8 người; 64 trạm có 9-10 người.
"Thực tế, mỗi trạm tại TP HCM cần ít nhất 10 người vì trung bình một phường xã có 30.000 dân", bác sĩ Châu nói.
Trước đó, làm việc về công tác y tế cơ sở, Giám đốc Sở - ông Tăng Chí Thượng, cho biết khoảng 50% trạm y tế chưa có trưởng, phó trạm vì thiếu tiêu chuẩn bổ nhiệm. Tình trạng này đã kéo dài từ lâu, do trước đây các trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế phường xã trực thuộc UBND quận huyện - do nơi này quyết định bổ nhiệm lãnh đạo trạm. Khi các trung tâm và trạm sáp nhập về Sở Y tế quản lý theo tiêu chí của ngành, nhiều người không đủ điều kiện làm trưởng trạm.
Theo bác sĩ Châu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trạm y tế thiếu người, như liên quan đến chính sách, nhân viên y tế không thích về trạm phường xã, do hệ thống y tế tư nhân tại TP HCM đang phát triển mạnh.
Để giải quyết vấn đề này, UBND thành phố đã giao Sở Y tế xây dựng đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở. Trong bối cảnh F0 đang tăng trở lại, trước mắt sẽ đưa bác sĩ, điều dưỡng của trạm y tế lưu động về tăng cường cho trạm cố định để chăm sóc người bệnh. Vài tháng tới, thành phố sẽ điều chuyển các bác sĩ mới ra trường, từ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về tăng cường cho trạm y tế cơ sở.
Liên quan đến kế hoạch điều chuyển, hôm 8/11, Sở Y tế có tờ trình gửi UBND TP HCM, đề xuất đưa 750 bác sĩ đa khoa, cử nhân điều dưỡng (tốt nghiệp năm nay) tham gia thực hành khám, chữa bệnh tại 22 trung tâm y tế quận huyện, TP Thủ Đức và 310 trạm y tế phường xã. Thời gian thực hành là 12 tháng đối với bác sĩ và 9 tháng đối với điều dưỡng. Họ sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng (kéo dài 18 tháng đối với bác sĩ, 9 tháng đối với điều dưỡng).
Về chính sách giữ chân nhân viên y tế an tâm công tác tại các trạm; đồng thời thu hút, hỗ trợ bác sĩ nghỉ hưu về đây làm việc, Giám đốc Sở Y tế đề xuất mức hỗ trợ hàng tháng: 5 triệu đồng đối với bác sĩ, nhân viên y tế có trình độ đại học và y sĩ là 4 triệu đồng, nhân viên y tế có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp là 3 triệu đồng.
Sở Y tế cũng đề xuất HĐND TP HCM, Quốc hội điều chỉnh nhiều chính sách để thu hút thêm nhân sự về phục vụ trạm y tế. Đó không chỉ là lương, thu nhập mà còn chính sách để họ phát triển nghề nghiệp trong thời gian dài, đảm bảo nhân viên trạm y tế có cơ hội học để trở thành tiến sĩ, giáo sư, hay lên ngạch thành bác sĩ chính.
"Đây là vấn đề lớn, cần thực hiện để nâng cao năng lực, sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh trong tương lai", bác sĩ Châu nói.
TP HCM đã nhiều lần thay đổi chiến lược điều trị F0, trước đây F0 bắt buộc cách ly tập trung. Từ tháng 7, khi số ca nhiễm tăng cao, thành phố thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà. Hiện, số F0 giảm, đã được tiêm vaccine, không triệu chứng hoặc nhẹ được quản lý, chăm sóc tại nhà bởi các trạm y tế cơ sở.
Ngoài trạm cố định, tùy số lượng F0 mà mỗi địa phương triển khai số lượng trạm y tế lưu động, trung bình mỗi trạm quản lý 50-100 F0.
Thư Anh