Hôm 11/10, trong lần lấy mẫu test nhanh đầu tiên tại gia đình có triệu chứng, phát hiện 4 ca dương tính, anh Lê Quốc Bình, trưởng trạm y tế đề nghị họ cách ly tại chỗ tạm thời. Sáng 12/10, khi xét nghiệm lần hai toàn bộ 40 cư dân khu nhà trọ, ghi nhận thêm 7 ca dương khác. Đây là các ca F0 mới nhất được ghi nhận trên địa bàn xã Phong Phú tuần này.
Hầu hết bệnh nhân đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19, triệu chứng nhẹ, không có bệnh nền và nguy cơ trở nặng. Tuy nhiên phòng trọ của họ chật hẹp, không đủ điều kiện cách ly tại nhà, anh Bình báo cáo lên Trung tâm y tế huyện Bình Chánh để sắp xếp khu cách ly tập trung của huyện. Chiều cùng ngày, 11 F0 được vận chuyển an toàn bằng xe cứu thương, có nhân viên y tế đi cùng, đến khu cách ly tập trung tại trường THPT Tân Tạo cách đó 7 km.
Ngoài các F0 đã được đưa đi các ly tập trung, hiện xã Phong Phú còn khoảng 40 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Nhóm F0 này do trạm y tế xã trực tiếp quản lý, theo dõi sức khỏe, chăm sóc y tế. Anh Bình và đồng nghiệp tới khám trực tiếp, cấp phát và hướng dẫn sử dụng các túi thuốc A (thuốc hạ sốt và vitamin); B (kháng viêm, kháng đông); hoặc C (thuốc kháng virus molnupiravir) tùy theo tình trạng của người bệnh. Hàng ngày, nhân viên y tế trạm sẽ gọi điện thoại thăm khám từ xa, cập nhật tình hình sức khỏe từng người. Nếu F0 có dấu hiệu bất thường sẽ chủ động liên hệ với nhân viên y tế để xử trí kịp thời.
"Nhiều ngày qua xã không có các ca tử vong, trở nặng phải chuyển viện lên tầng điều trị cao hơn", trưởng trạm y tế xã nói.
Theo anh Bình, theo quy định mới, tất cả F0 sau khi test nhanh kháng nguyên sẽ được lấy mẫu dịch hầu họng và xét nghiệm đầu vào một lần nữa, bằng kỹ thuật RT-PCR. F0 cách ly tập trung sẽ được xuất viện khi có kết quả âm tính. Còn F0 tại nhà test nhanh mỗi 7 ngày, cách ly đủ 14 ngày và âm tính sẽ được cấp giấy hoàn thành cách ly. Thông tin người bệnh như tên tuổi, giới tính, địa chỉ, diễn tiến sức khỏe, kết quả xét nghiệm, nơi cách ly, ngày bắt đầu và hoàn thành cách ly... được cập nhập đầy đủ lên hệ thống quản lý F0 của Sở Y tế thành phố, thuận tiện cho việc cấp thẻ xanh Covid-19.
Song song nhiệm vụ quản lý F0 trên địa bàn, 6 nhân viên y tế cơ hữu và 4 tình nguyện viên của trạm Phong Phú thường xuyên lấy 400-500 mẫu xét nghiệm đầu vào, đầu ra của các khu các ly tập trung của huyện; thẩm định điều kiện cách ly tại nhà của F0; tham gia tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dân; nhập liệu thông tin người bệnh, người tiêm lên hệ thống; tư vấn, giải đáp các thắc mắc của người dân về "thẻ xanh" Covid-19, "thẻ xanh" vaccine...
Hiện nay, khi dịch đã "giảm nhiệt", trạm đang lên lộ trình để quay lại công năng ban đầu, như khám chữa các mặt bệnh thông thường; lên danh sách tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới hai tuổi sau gần 5 tháng gián đoạn. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi, dự kiến vào cuối tháng 10, khi có hướng dẫn cụ thể của Sở Y tế. Trong khi đó, các trạm y tế lưu động do quân y chi viện vận hành vẫn tiếp tục hoạt động song song, chưa có kế hoạch bàn giao cho trạm cố định, anh Bình chia sẻ.
Tại phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức, bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Phúc, trưởng trạm y tế cho hay, từ cuối tháng 9 đến nay, phường không phát sinh ca nhiễm mới, các F0 điều trị tại nhà đều đã khỏi bệnh, hoàn thành 14 ngày cách ly. Cộng dồn trong đợt dịch thứ 4, phường có 395 bệnh nhân Covid-19, phần lớn đã âm tính. Còn 35 F0 đang điều trị tại khu cách ly tập trung, sức khỏe ổn định, 15/10 xuất viện, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà. Khu cách ly đang sử dụng này được bàn giao, trả lại cơ sở vật chất cho trường học. Phường đang xin ý kiến mở khu các ly tập trung mới để tiếp nhận các F0, F1 không đủ điều kiện cách ly tại nhà, với quy mô tối đa 150 giường.
Bác sĩ Phúc cho biết, trải qua hơn 5 tháng ròng rã chiến đấu với Covid-19, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, từ đỉnh điểm trung tuần tháng 8, có ngày tiếp nhận 100 ca, nay số ca nhiễm mới là 0. Giai đoạn đó, 10 nhân viên của trạm căng mình làm việc xuyên ngày đêm, liên tục đi cấp cứu F0 tại nhà, vận chuyển người bệnh trở nặng đến các khu cách ly tập trung, đường dây nóng của trạm gần như "cháy máy".
Đổi lại sự vất vả đó, đội ngũ nhân viên y tế cơ sở nay đã dày dặn kinh nghiệm, xây dựng được quy trình tiếp nhận, điều trị F0 nhanh chóng, hiệu quả. Cụ thể, khi tiếp nhận thông tin có ca nghi ngờ, trạm y tế sẽ cử ngay đội xuống lấy mẫu test nhanh tại chỗ, kịp thời bóc tách F0. Trạm y tế sẽ thẩm định điều kiện cách ly tại nhà của người bệnh. Với các F0 đã tiêm vaccine, sức khỏe ổn định, không có dấu hiệu trở nặng, đủ điều kiện sẽ được cách ly, chăm sóc tại nhà, và ngược lại. Tất cả các F0 ở nhà trọ, diện tích phòng nhỏ hẹp sẽ được đưa đi cách ly tập trung. Nếu F0 có dấu hiệu trở nặng, có kèm bệnh nền sẽ được chuyển sớm đến các bệnh viện tầng trên, nhằm giảm tối đa tỷ lệ tỷ vong.
Hiện nguồn thuốc điều trị cho F0 tại nhà cũng dồi dào, vừa từ phân bổ của trung tâm y tế TP Thủ Đức, vừa từ các mạnh thường quân tài trợ. Các trang thiết bị, thuốc, oxy phục vụ cấp cứu cũng được chuẩn bị đầy đủ, nhân viên y tế phân ca kíp trực hợp lý, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Ngoài ra, địa phương vẫn duy trì các đường dây nóng tiếp nhận thông tin dịch bệnh, các tổ phản ứng nhanh và trạm y tế lưu động. Phường Linh Chiểu đã thành lập 6 tổ y tế cộng đồng, với 7 thành viên mỗi tổ, trong đó có một nhân viên cơ hữu của trạm y tế để cùng lấy mẫu, chăm sóc 50 F0 tại nhà, bác sĩ Phúc thông tin thêm.
Hôm 14/10, trạm y tế phường Linh Chiểu bắt đầu tổ chức lại chiến dịch tiêm ngừa các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho trẻ em trên địa bàn. Đặc biệt, với các bệnh theo mùa như sốt xuất huyết, sốt siêu vi, chân tay miệng... đang có dấu hiệu bùng phát, trạm thực hiện các biện pháp thường quy để dập dịch sớm.
Theo hai vị trưởng trạm y tế, do hiệu quả của công tác tiêm chủng vaccine, tỷ lệ F0 trở nặng, tử vong đã giảm rõ rệt. Mặc dù vậy, khối lượng công việc của các trạm y tế trong giai đoạn bình thường mới vẫn rất lớn, một nhân sự phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Do đó, các trạm đang đề xuất bổ sung thêm nhân sự cơ hữu, ngoài các tình nguyện viên, để nhân viên y tế được giảm tải, có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sau thời gian dài chống dịch.
Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai từng nhận định, "quản lý và điều trị F0 tại nhà là chủ trương lớn, đúng đắn trong điều trị Covid-19". Đây là một trong những chiến lược điều trị Covid-19 của thành phố sau ngày 15/9. Mô hình này được Bộ Y tế đánh giá rất cao. Các F0 tại nhà đã được chăm sóc toàn diện, hỗ trợ tốt nhất để khỏi Covid-19 nhanh nhất, đạt mục tiêu giảm tối đa tỷ lệ tử vong.
Hiện, TP HCM ghi nhận hơn 410.000 trường hợp mắc Covid-19, đã được Bộ Y tế công bố. Trong đó, số F0 đang cách ly điều trị tại nhà là gần 18.000 người, số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là hơn 7.000, tổng số bệnh nhân nhập viện ở tầng 2 và 3 là hơn 15.000 người, tính đến ngày 11/10.
Thư Anh