"Anh em y tế kiệt sức, người bệnh gọi đến từ khắp nơi, nghe điện thoại quá nhiều đến mức chúng tôi phải đổi nhạc chuông liên tục", bác sĩ Lê Bá Kông, Trưởng Trạm Y tế phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, nói về lúc cao điểm chống dịch, dồn dập các ca nhiễm.
Phường Bình Chiểu hơn 80.000 dân, khoảng 2/3 là người tạm trú ở các phòng trọ, rất nhiều khu trọ lụp xụp, phải dùng chung nhà vệ sinh. Sống chen chúc như này khiến dịch bệnh lây lan rất nhanh khi có ca nhiễm trong cộng đồng. Phường có Khu công nghiệp Bình Chiểu, Khu chế xuất Linh Trung, lại giáp ranh chợ đầu mối Thủ Đức. Khi ấy, nhiều công nhân, thương lái đã được chích một mũi vaccine nên khá chủ quan. Ở chợ đầu mối, người khuân vác, vận chuyển hàng hóa không đeo khẩu trang vì nóng, khó thở.
Theo bác sĩ Kông, y tế phường đã chuẩn bị các phương án xử lý dịch nhưng khi số ca tăng nhanh đầu tháng 7 họ bị rơi vào thế "không kịp trở tay", không kịp ngăn chặn dịch.
Khởi đầu, dịch bùng phát ở một công ty với 140 ca nhiễm. Công nhân thuộc diện F1, F2 khai báo có ngày lên đến 700 người. "Trạm y tế quá tải vì phải làm lượng lớn thủ tục hồ sơ, không kịp xác minh nhiều trường hợp", bác sĩ Kông nói. Trạm chỉ có 10 nhân sự, trong đó 2 nhân sự đi học bác sĩ, chỉ còn 8 người gồng gánh mọi việc lúc bùng dịch thì không thể truy vết kịp.
Các y bác sĩ đều phải làm việc đêm hôm, không có thời gian nghỉ ngơi. Trang thiết bị y tế không đủ đáp ứng, thiếu thốn nhiều thứ từ phương tiện chống dịch cho đến xe cấp cứu. Nguồn thuốc điều trị thời điểm ấy cũng không có, các bác sĩ phải vận động từ nhà hảo tâm.
Mượn được một chiếc ôtô của người quen, bác sĩ Kông tổ chức khám bệnh ban đêm bằng hình thức nhanh nhất có thể. "Bệnh nhân đứng sẵn, tôi ngồi trên xe gọi điện thoại thăm hỏi nhanh tình hình, lấy thuốc để sẵn trên xe phát", bác sĩ Kông nói. Ban ngày họp hành và nhiều việc khác nên tầm 19-20h anh bắt đầu đi khám tận nhà F0, có khi đến 2-3h sáng vẫn chưa xong.
Thời điểm ấy, các bệnh viện Covid quá tải. "Có nhiều đêm, chúng tôi đưa bệnh nhân đến 3 bệnh viện nhưng không được nhận vì không có oxy. Có ngày lên đến hơn 100 ca mắc", bác sĩ Kông chia sẻ.
Nhân viên trạm không ít lần bất lực chứng kiến bệnh nhân tử vong ngay trước mặt. Có người đàn ông còn khá trẻ, được người nhà gọi điện thoại cầu cứu lúc 4h15 sáng, các bác sĩ chạy đến nơi thì đã chậm, không xử lý kịp. Bệnh nhân qua đời lúc 4h30.
Từ giữa tháng 7 trở đi, tình hình bắt đầu cải thiện hơn. Giữa áp lực đỉnh điểm, trạm kêu gọi đồng nghiệp, không chỉ y tế tư nhân ở TP HCM mà cả tỉnh Bình Dương tham gia hỗ trợ. Sau đó, các tổng đài tư vấn 1022, hệ thống cấp cứu 115 tăng cường xe cấp cứu, y tế từ các địa phương khác hỗ trợ và đặc biệt là trạm y tế lưu động được thành lập, khu thu dung của địa phương ra đời, trang thiết bị, các gói thuốc A-B-C được cung cấp đầy đủ, máy tạo oxy, trạm oxy map hỗ trợ F0 tận nhà.
Trạm y tế Bình Chiểu được hỗ trợ 3 nhân viên quân y, 4 nhân viên y tế tỉnh Hải Dương, 2 bác sĩ y tế tư nhân thăm khám F0 trực tiếp, 4 bác sĩ tư vấn qua điện thoại. Khi đầy đủ nhân lực, vật tư y tế, trạm bắt đầu phát huy được vai trò. Tất cả ca dương tính từ bệnh viện, công ty báo về hoặc bệnh nhân tự test gọi đến trạm đều được xác minh đầy đủ, phong tỏa, khử khuẩn các khu vực. Trạm y tế lưu động và y tế tư nhân phối hợp điều trị F0 cách ly tại nhà, 4 đội phản ứng nhanh đưa đi cấp cứu khi cần.
Khi ngành y tế TP HCM có quy trình, giải pháp hợp lý, trang thiết bị, thuốc men được cung ứng đầy đủ, trạm y tế phường Bình Chiểu đã mạnh dạn giữ bệnh nhân tại khu thu dung của phường để theo dõi. Trước đây nói "đi khu cách ly", người dân rất e sợ. Khi có F0 đã điều trị về, truyền tai nhau rằng "trong khu thu dung của phường được chăm sóc tốt, cơm ăn ngon", mọi người mới vui vẻ hợp tác hơn. Nhiều F0 khỏi bệnh đã tình nguyện quay lại khu thu dung để hỗ trợ các công việc.
"Giai đoạn này dù nhiều việc, số ca vẫn đang còn nhiều nhưng ai cũng thấy nhẹ nhàng hơn", bác sĩ Kông chia sẻ. Nhiều trường hợp bệnh nhân lớn tuổi nhưng gia đình kiên quyết muốn cách ly tại nhà, các bác sĩ bàn bạc, hội chẩn cùng nhau để theo dõi tốt nhất. Đội ngũ điều trị khi ấy có cả bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ chuyên khoa ngoại, nội, tai mũi họng và tâm thần nên trạm rất tự tin khi quyết định bệnh nhân nào ở tại nhà, phối hợp theo dõi và chăm sóc, luân phiên đêm ngày hỗ trợ bệnh nhân.
Ngoài túi thuốc A-B-C, khi cần thêm thuốc thì bác sĩ kê đơn, nhờ đội tình nguyện viên đi mua cho bệnh nhân. Kết quả, bệnh nhân được chăm sóc tốt, yên tâm điều trị tại nhà vì có bác sĩ kề cận, giảm tải được tuyến trên. Nếu như giai đoạn đầu, trạm chỉ chủ yếu thăm khám online thì giai đoạn sau, khi có được sự hỗ trợ, phối hợp giữa các đơn vị y tế, F0 tại nhà đều được thăm khám trực tiếp.
Vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, việc chăm sóc, điều trị F0, truy vết từng bước vào guồng. Trong đợt dịch này, phường ghi nhận hơn 7.500 F0. Hơn 100 F0 trên địa bàn đang được theo dõi tại nhà. Có bác sĩ đã trở thành F0.
Nhìn lại hành trình chống dịch nhiều cam go vừa qua, bác sĩ Kông bày tỏ mong muốn tuyến cơ sở được có mô hình đào tạo chuyên biệt, có chính sách cụ thể. "Khi nào giá trị của các bác sĩ ở y tế cơ sở được đánh giá cũng giống như bác sĩ tại bệnh viện, thì khi đó may ra người ta mới chịu về làm việc ở trạm y tế", bác sĩ Kông nói. Bác sĩ bày tỏ mong muốn ngành y tế "có cơ chế hợp tác với y tế tư nhân, bởi hiện tại sự giúp đỡ đều trên tinh thần tình cảm, không có cơ chế gì để phối hợp".
Sở Y tế TP HCM đánh giá cao mô hình gắn kết và phối hợp của nhiều bộ phận trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân tại phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, với sự tham gia của trạm y tế phường, trạm y tế lưu động, tổ phản ứng nhanh, tổ chức thiện nguyện hỗ trợ oxy và các bác sĩ tư nhân tình nguyện.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu tại Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của ngành y tế thành phố, cuối tuần qua, nhìn nhận hệ thống y tế cơ sở đã bộc lộ rõ nhiều điểm yếu trong đợt dịch vừa qua, cần sớm củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả; điều chỉnh, bổ sung chính sách phù hợp nhằm thu hút nhân lực, nhất là cho trạm y tế phường, xã, thị trấn.
Tại buổi tiếp xúc trực tuyến 140 cử tri ngành y tế của đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố hôm 9/10, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố từng kiến nghị giao chỉ tiêu số lượng người làm việc cho trạm y tế theo quy mô dân số tại phường, xã, thị trấn và tính đặc thù của địa bàn. Mục tiêu là đảm bảo đủ nhân lực chăm sóc, khám chữa bệnh ban đầu, quản lý sức khỏe người dân và phòng chống dịch bệnh tại địa phương.
Ngành y tế thành phố cũng kiến nghị có chính sách thu hút nhân lực làm việc tại y tế cơ sở như tăng lương khởi điểm, tạo điều kiện cho nhân viên công tác tối thiểu ở y tế cơ sở 5 năm được chọn nhiệm sở khác để phát triển chuyên môn... Ngoài ra, thành phố cần có chính sách thu hút nhân lực có chuyên môn từ những nguồn khác (y tế tư nhân, nhân viên y tế nghỉ hưu, lực lượng tình nguyện viên từ các sinh viên các trường đại học, cao đẳng thuộc ngành sức khỏe...); có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực khẩn cấp cho mô hình trạm y tế lưu động để ứng phó kịp thời khi dịch bệnh bùng phát hoặc thiên tai thảm họa.