Hiện nay, số F0 có khuynh hướng tăng tại TP HCM. Trong đó, các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, huyện Hóc Môn, Bình Chánh và TP Thủ Đức có số ca mắc mới cao.
Sở Y tế quyết định lập thêm 20 trạm y tế lưu động ở quận 12, huyện Bình Chánh thêm 8 trạm, huyện Hóc Môn thêm 4 trạm và quận Bình Tân một trạm, nhằm chăm sóc F0 cách ly tại nhà, theo công văn do Giám đốc Tăng Chí Thượng ký ngày 9/11.
Tuần trước, Sở Y tế đã mở thêm 40 trạm y tế lưu động tại Hóc Môn.
Các địa phương bố trí địa điểm để các trạm y tế lưu động hoạt động, kiểm tra công tác khám, theo dõi, cấp phát thuốc cho F0 đang cách ly tại nhà và cách ly tập trung.
Trung tâm y tế và các trạm y tế nắm danh sách hộ gia đình F0 có người thuộc nhóm nguy cơ cao mà chưa được tiêm chủng cùng chung sống, để theo dõi sát sức khỏe và triển khai tiêm chủng ngay.
Tại họp báo đầu tuần này, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết khi tình hình dịch bệnh diễn căng thẳng, thành phố đã thành lập 550 trạm y tế lưu động kết hợp 312 trạm y tế phường, xã, thị trấn, chăm sóc F0 tại nhà, từ hỏi thăm sức khỏe qua điện thoại, theo dõi cấp phát các túi thuốc A - B - C.
Theo ông Nam, hiện nay việc duy trì trạm y tế lưu động vẫn rất cần thiết. Tại các địa phương có ca F0 còn cao, ngành y tế thành phố tiếp tục duy trì, mở thêm các trạm y tế lưu động, mỗi trạm chăm sóc tốt nhất 50-100 F0 tại nhà.
Lực lượng quân y dự kiến rút quân vào cuối tháng 11. Sở Y tế TP HCM đã có phương án giao lại trạm y tế lưu động cho các địa phương triển khai tùy tình hình thực tế. Trạm y tế lưu động sẽ do các bệnh viện trên địa bàn, bao gồm bệnh viện công lập, bệnh viện ngoài công lập, phòng mạch, phòng khám tư nhân tham gia vận hành.
Sở Y tế TP HCM mới đây đã giao các bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân lập danh sách bác sĩ, điều dưỡng dự bị tham gia trạm y tế lưu động, luân phiên đến công tác tại các bệnh viện dã chiến thành phố, đặc biệt bệnh viện dã chiến 3 tầng. Củng cố và duy trì đơn vị hoặc khoa Covid-19 để sẵn sàng tiếp nhận F0; bệnh viện tầng 3 tiếp nhận bệnh nhân chuyển lên từ tuyến dưới...
Từ đầu tháng 10, sau hơn bốn tháng giãn cách, TP HCM bắt đầu điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn mới nới lỏng giãn cách, số ca nhiễm tại TP HCM dao động khoảng 2.000-3.000 ca mỗi ngày. Cùng với tỷ lệ bao phủ vaccine tăng cao dần, từ ngày 10/10, số ca nhiễm giảm mạnh về quanh mốc 1.000, sau đó liên tiếp giảm dần, có ngày chỉ còn 682 ca (ngày 2/11).
Tuy nhiên, trong bối cảnh các hoạt động dần trở lại nhộn nhịp, doanh nghiệp tái sản xuất, giám sát diễn biến dịch bệnh những ngày gần đây cho thấy số ca mắc mới đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế có xu hướng tăng nhẹ trở lại.
Từ ngày 7/11, số ca mắc hàng ngày tại TP HCM vượt 1.000. Tối 10/11, Bộ Y tế công bố 1.414 ca nhiễm mới tại TP HCM, tăng 138 ca so với hôm qua, cao nhất một tháng qua, nâng tổng số ca trong đợt dịch thứ 4 lên hơn 442.000. Trong số ca mắc mới, nhiều ca nhiễm từ KCN lan ra cộng đồng dân cư. Các chuyên gia đánh giá đây là điều khó tránh khỏi khi thành phố mở cửa và nếu số ca nhiễm mới không trở nặng, không tử vong thì sẽ tạo miễn dịch cộng đồng, không phải là vấn đề đáng lo ngại.