TP HCM dự kiến khai giảng năm học 2021-2022 vào giữa tháng 9 bằng hình thức trực tuyến. Toàn thành phố có khoảng 1,71 triệu học sinh từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT (chưa tính hệ giáo dục thường xuyên). So với năm học trước, học sinh tăng thêm 31.000, trong đó khối trường công lập tăng 28.000, còn lại là trường ngoài công lập.
Áp lực học sinh tăng là vấn đề từ hàng chục năm nay của thành phố, riêng năm số học sinh tăng thấp nhất (mọi năm 50.000-60.000). Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, học sinh tăng mạnh ở cấp tiểu học, tập trung tại những nơi đang đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao như: TP Thủ Đức, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, quận 12, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn.
Hơn 373.000 em, chiếm 1/5 số học sinh thuộc gia đình không có hộ khẩu tại thành phố. Áp lực này làm sĩ số học sinh mỗi lớp vượt chuẩn, đặc biệt ở cấp tiểu học. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện ở trường bị co hẹp.
Học sinh tăng nhưng thành phố năm nay gần như không xây thêm trường. Do ảnh hưởng từ Covid-19, tiến độ xây dựng các công trình trường học bị đình trệ. Hiện tất cả công trình xây mới, sửa chữa đều chậm tiến độ, không kịp cho ngày khai giảng.
Các quận huyện phải xoay xở đủ cách để đảm bảo đủ phòng học cho học sinh. Một ví dụ điển hình là Bình Tân, quận có dân số đông nhất TP HCM với đặc thù tập trung đông công nhân từ các tỉnh thành, năm nay có gần 120.000 học sinh. Nhiều năm qua, dù được xây mới, cải tạo nhiều trường, phòng học mới, quận vẫn chưa đáp ứng được số lượng học sinh quá lớn. Sĩ số lớp học ở bậc tiểu học, THCS ở quận được dự báo 42-43 em mỗi lớp, vượt xa tiêu chuẩn 35 em.
Nhiều phường gặp khó trong bố trí chỗ học do không đủ trường tiểu học và THCS. Chẳng hạn, phường Bình Trị Đông A có 1.035 trẻ vào lớp 1, nhưng chỉ có một trường tiểu học với quy mô 250 học sinh, những em còn lại phải đến các trường tiểu học lân cận ngoài phường để học. Ở các phường khác, hàng trăm học sinh phải sang phường khác học bởi trường gần nhà không đủ chỗ.
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân, cho biết các trường tiểu học sẽ giảm số lượng bán trú, học hai buổi mỗi ngày ở lớp 3, 4 và 5 để ưu tiên dạy hai buổi cho lớp 1 và 2. Ưu tiên lúc này là đảm bảo tất cả con em trên địa bàn, kể cả những gia đình chỉ có giấy xác nhận tạm trú có trường học theo đúng chủ trương của thành phố.
Bài toán "co kéo" cơ sở vật chất cũng được đặt ra với nhiều quận, huyện đông dân. Nhiều trường tận dụng các phòng chức năng như phòng truyền thống, hoạt động chung, phòng để đồ dùng học tập để có thêm chỗ học.
Covid-19 đã ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, tâm lý giáo viên, phụ huynh và học sinh tại TP HCM. Hai ngày trước thời hạn chốt tuyển sinh đầu cấp 19/8, nhiều quận huyện chưa nhận đủ hồ sơ nhập học. Nguyên nhân bởi dịch bệnh, người dân nhập cư và công nhân tỉnh thành trở về quê rải rác từ cuối tháng 5, việc đăng ký nhập học gián đoạn. Trong thành phố, nhiều khu dân cư, chung cư bị phong tỏa phần nào khiến người dân bị hạn chế thông tin.
Đến hôm nay, quận Tân Bình có 92% học sinh lớp 1 và 96% học sinh lớp 6 nhập học trực tuyến. Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận, cho biết với tiến độ này, phòng có thể tạm chốt danh sách tuyển sinh để kịp tiến độ. Tuy nhiên, phòng sẽ tính đến phương án bổ sung cho người dân đang ở quê hoặc trong khu cách ly.
"Chúng tôi lo nhất hiện nay là năm học mới như thế nào khi có em đã nhập học, có em chưa. Điều kiện, hoàn cảnh gia đình học sinh rất khác nhau, việc học trực tuyến những tuần đầu nếu khai giảng giữa tháng 9 là rất khó", ông Huy chia sẻ.
Tương tự, ở nhiều quận, huyện khác, do giãn cách xã hội, công tác thống kê, lập danh sách học sinh nhiều trở ngại. Không có được con số chính xác, nhiều nơi khó xác định được số giáo viên cần tuyển dụng, chuẩn bị cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Công tác tập huấn, triển khai kế hoạch năm học mới ở nhiều nơi chưa hoàn thành bởi thành phố giãn cách xã hội.
"Nhiều giáo viên, nhân viên diện F0 đang điều trị, nhiều người là F1 đang phải cách ly. Trong hoàn cảnh đó, họ không thể tập trung cho chuyên môn được. Nhân sự ở nhiều trường thiếu hụt, trong khi tuyển dụng lúc này không thể", một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo chia sẻ.
Hàng loạt trường học đang được trưng dụng cho công tác chống dịch. Quận Bình Tân có 62 trường học thì đều trở thành khu cách ly tập trung, điểm tiêm vaccine, một trường làm bệnh viện dã chiến. Quận Tân Bình có 29 trường được trưng dụng. Hiện giáo viên chưa thể vào trường để chuẩn bị cho năm học mới. Nếu được bàn giao lại cũng phải mất khoảng 10 ngày để vệ sinh, khử khuẩn.
Dịch bệnh cũng tạo áp lực lớn đến phụ huynh và học sinh. Nhiều học sinh chưa cầm được sách giáo khoa mới, nhiều gia đình khó khăn không thể mua máy tính, thiết bị cho con học trực tuyến. "Năm học mới có thể lùi vài tuần, thậm chí 1-2 tháng, nhưng cũng không thể lùi mãi được. Học trực tuyến rất gian truân nhưng học trực tiếp lúc này rất căng thẳng", một phụ huynh ở TP Thủ Đức nói.
Không chỉ bậc mầm non đến THCS còn ngổn ngang, tuyển sinh lớp 10 THPT công lập lần đầu tổ chức bằng hình thức xét tuyển đã bộc lộ bất cập. Mới công bố điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 chuyên cho hơn 1.600 thí sinh, gần 250 phụ huynh lớp 9, chủ yếu trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, đã phản đối.
Nguyên nhân xuất phát từ cách xét tuyển vào lớp chuyên, trường chuyên bằng công thức điểm trung bình môn cả năm lớp 9 các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ cộng điểm trung bình môn chuyên nhân hệ số 2, cùng điểm khuyến khích. Trong đó, điểm khuyến khích từ 0,5 đến 4 điểm, dành cho học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp thành phố, giải khoa học kỹ thuật cấp thành phố, quốc gia hoặc quốc tế.
Phụ huynh trường Trần Đại Nghĩa cho rằng việc cộng điểm khuyến khích này là không đúng với các quy định về tuyển sinh THPT, không hợp lý và gây bất công với con em họ.
Hạn chế của việc tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức xét tuyển trung bình môn lớp 9 đã được nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục dự báo. Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cũng nhìn nhận hạn chế của hình thức này là "có thể đánh giá không toàn diện" học sinh khi tham mưu cho UBND TP HCM điều chỉnh phương án tuyển sinh. Tuy nhiên, đây là cách làm phù hợp nhất trong bối cảnh Covid-19 phức tạp, thành phố không thể tổ chức thi tuyển.
Nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cảnh báo một cuộc "chạy đua" cho điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ ở các trường THCS, các quận, huyện trong năm học này. Bởi với dịch bệnh khó lường, phương án xét tuyển có thể tiếp tục được sử dụng. "Để học sinh của mình có lợi thế, việc cho điểm có thể sẽ nới tay hơn. Nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ, bệnh chạy đua thành tích trong giáo dục có thể diễn ra", ông Ngai nói.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM phải xây dựng các kịch bản năm học, trong đó có thi cử chặt chẽ, phù hợp cho cả lúc yên bình hoặc dịch bệnh. Sở có thể ra đề kiểm tra học kỳ cho khối 9, hoán đổi cán bộ coi thi học kỳ, giám sát điểm số ở tất cả trường. Việc ra đề thi chung cần áp dụng cho tất cả môn học, không riêng Toán, Văn, Ngoại ngữ để tránh học lệch. Kết quả học tập sẽ phản ánh đúng nhất năng lực học sinh, từ đó có thể tiến tới xét tuyển và bỏ thi tuyển.
Báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM nhìn nhận những khó khăn mà thành phố gặp phải trong năm học này, trong đó có nhiều thách thức đến từ dịch bệnh. Phương án dạy học trực tuyến trong nhiều tuần đầu năm học, kể cả việc giảm tải yêu cầu cần đạt được phù hợp theo từng khối lớp đã được tính đến.
Kế hoạch năm học 2021-2022 với nhiều kịch bản giảng dạy, tùy khối lớp và bậc học, phù hợp với diễn biến dịch bệnh đang trình UBND TP HCM.
Đến nay, TP HCM ghi nhận hơn 150.000 ca Covid-19. Nếu tính cả đợt cách ly xã hội kéo dài một tháng công bố tối 15/8, thành phố trải qua hơn ba tháng rưỡi giãn cách theo nhiều cấp độ.