Tôi từng có dịp đi ăn cưới bạn ở một tỉnh Tây Nguyên. Cứ ngỡ là phải đến Bến xe miền Đông trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, TP HCM) để mua vé và lên xe, nhưng khi đặt vé, nhân viên bán hàng hỏi nơi ở rồi dặn đón xe trên đường Bạch Đằng.
Đường Bạch Đằng, giờ tan tầm nhiều xe, có lúc dồn ứ, các phương tiện phải di chuyện rất chậm. Gần 19h, một chiếc xe khách giường nằm lù lù tiến đến. Chiếc xe có bến đầu ở quận Tân Bình, trên xe đã có một số hành khách. Dừng giữa đường Bạch Đằng để đón chúng tôi dù chỉ 5 phút nhưng chiếc xe như một vật cản, làm cho các xe khác phải di chuyển hết sức khó khăn.
>> 'Một xe buýt giúp giảm 161 ôtô'
Sau khi đón chúng tôi, xe này di chuyển ra ngã tư Hàng Xanh, tiến về cầu Sài Gòn và liên tục dừng lại tại một số điểm để đón thêm khách. Một tiếng sau, tôi vẫn còn ở Thủ Đức.
Đầu tháng 10 năm đó, bến xe Miền Đông ở quận 9 cũ, nay là TP Thủ Đức được khai trương. Hôm rồi, tôi lại có dịp đi Tây Nguyên, cứ ngỡ là phải lặn lội gần 20km để ra đó bắt xe nhưng vẫn cứ bắt xe ở Bạch Đằng như cũ.
Tôi cũng có vài lần đi Xa lộ Hà Nội lúc buổi tối, trước cổng khu du lịch Suối Tiên, xe khách đỗ và đón khách rất bát nháo. Thật kỳ lạ, cách đó mấy cây số là Bến xe miền Đông mới, nhưng dường như cả chủ xe và hành khách vẫn không muốn vào đó.
Là bến xe lớn nhất nước, rộng 16 ha, trị giá hơn 4.000 tỷ đồng nhưng thường xuyên lên mặt báo với những từ "ế", "vắng khách". Dù đã có 22 tuyến cố định hoạt động, người dân vẫn giữ thói quen đi bến cũ do ngại đi xa.
Tôi thực sự không hiểu nổi, xây một bến xe hàng nghìn tỷ đồng làm gì khi bến xe cũ trong nội thành vẫn còn hoạt động? Bến xe mới đã khai trương gần hai năm trời, tại sao vẫn chưa có kế hoạch đóng cửa bến xe cũ?
>> Kẹt xe ngăn nắp, buýt BRT không bị chiếm làn ở Jakarta
Sở Giao thông Vận tải TP HCM đang có đề xuất cấm ôtô khách trên 30 chỗ vào nội đô thành phố từ 6h đến 22h để giảm ùn tắc, tai nạn và hạn chế "bến cóc, xe dù".
Tôi nghĩ, trước khi triển khai việc này, thì nên đóng cửa Bến xe miền Đông cũ ngay, tập thói quen cho người dân ra bến xe mới. Các nhà xe phải đỗ và tập kết về bến xe mới ngay. Chừng nào các xe khách còn xuất phát ở "bến" trong các quận nội thành thì họ còn rề rà đón khách tại các "bến cóc" dọc đường.
Một bến xe to nhất nước vắng vẻ, nhưng đồng thời có hàng trăm bến cóc nhộn nhịp rải rác trong nội thành là một nghịch lý.
Xuân Hạ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.