Xung quanh vấn đề sử dụng giao thông công cộng, nhiều độc giả chia sẻ rằng họ đã đi xe buýt từ lâu và không thấy bất tiện như nhiều người than vãn:
Là người bỏ xe máy dùng xe buýt 17 năm nay, tôi nghĩ xe buýt không đến nỗi không dùng được như nhiều người nghĩ (ít nhất với một số đối tượng thường di chuyển cố định), miễn là bạn kiên trì với chủ trương không đi xe máy.
Đầu tiên là chịu khó đi bộ, sau nữa là là chịu khó tính toán lộ trình thích hợp, cuối cùng là chuẩn bị tâm thế như là một du khách trải nghiệm buýt (bao gồm cả trải nghiệm khó chịu).
Từ tháng 6, tôi đã bỏ ôtô cá nhân và đi xe buýt, với quãng đường từ nhà ra bến khoảng 700 m, hành trình 12 km mất 25 phút. Có app báo giờ xe tới nên khá chủ động trong thời gian.
Từ tháng 7 tôi quyết định mua vé tháng để bớt phải sử dụng tiền lẻ. Đi xe buýt khá tiện lợi mát mẻ, trừ hôm nắng quá hoặc mưa phải cầm thêm dù. Tôi nghĩ đi xe buýt là tốt, nhiều khi ta cứ ngại thay đổi thói quen cũ nên đánh mất nhiều cơ hội mới. Nếu có thể cải thiện nhà chờ tiện nghi hơn thì tốt, đi kèm với các ki-ốt bán hàng giải khát như các nước bên ngoài thì sẽ thú vị hơn nhiều.
Tôi đã chuyển sang đi xe buýt được gần hai tháng và thấy khá tiện dụng. Tuy nhiên để cải thiện chất lượng của việc sử dụng xe buýt, theo tôi cần giải phóng vỉa hè để tạo lối đi thông thoáng cho người đi bộ tiếp cận với xe buýt, tại những đoạn đường rộng nên có phân luồng riêng cho xe buýt và xe máy, tách với luồng cho xe ôtô.
Đa số mọi người hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân để chuyển sang phương tiện công cộng thì mới hy vọng thành phố phát triển thành đô thị văn minh, sạch đẹp.
Sau khi đi học nước ngoài về năm 2007, tôi dùng xe máy đi làm được đúng một tháng và sau đó từ bỏ để đi xe buýt đến tận bây giờ. Vì tôi thấy đi xe máy quá mệt mỏi vì tắc đường và ảnh hưởng bởi thời tiết, bụi bẩn, ô nhiễm.
Tôi mua vé tháng xe buýt, vừa tiết kiệm vừa bảo vệ mội trường, đi bộ ra bến xe buýt là cách tốt để rèn luyện sức khỏe. Giờ tôi có con nhỏ nhưng tôi vẫn thường xuyên đi xe buýt đi làm hàng ngày. Tôi nghĩ xe buýt vừa cho cá nhân về kinh tế, sức khỏe vừa có lợi cho toàn xã hội, nghĩ như vậy bạn sẽ có động lực để đi xe buýt thường xuyên.
Việc buýt nhanh BRT phải chia sẻ làn đường cho ôtô ở Hà Nội được đánh giá là một thất bại của giao thông công cộng. Nói về nguyên nhân buýt BRT không hiệu quả, cũng như nhiều người không mặn mà đi xe buýt, độc giả có nick name long.ussh đánh giá do "lợi ích cá nhân là trên hết":
Nhiều người từ nhà ra đầu ngõ cũng đi xe máy, ra chợ cách 500-700 m cũng đi xe máy, đi liên hoan ở quán cách nhà 500 m cũng xe máy, đưa con đi học 2km cũng ôtô, xe máy.
Trong khi xe buýt công cộng đang được cải thiện chất lượng khá nhiều thì lại có đủ lý do để chê. Tôi từng đi nhiều nước, nhưng phải công nhận văn hóa đặc trưng lớn nhất của dân mình là "lợi ích cá nhân là trên hết".
Với một đất nước đông dân như Việt Nam, văn hóa công cộng còn kém thì làm sao phương tiện công cộng thành công được?
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.