Sáng đầu tuần, Sài Gòn trời có mây, một cơn mưa rào bất chợt đổ xuống đúng vào giờ cao điểm. Ngay lập tức, con đường tôi đi làm hàng ngày vốn đã ùn ứ, trở nên hỗn loạn vì dòng người đi xe máy nhấp nhổm tắp vào lề mặc áo mưa.
Ôtô cũng không nằm ngoài, họ cũng chuyển làn liên tục, khiến các phương tiện khác càng thêm bối rối. Những chiếc xe buýt vất vả tìm chỗ để lao lên phía trước. Nhìn những hành khách chen chúc nhau đứng trên xe, tôi không biết họ sung sướng hay mình đang khổ?
Tôi, đi xe máy, dù có áo mưa nhưng vẫn bị ướt. Họ, chen chúc chật chội trên xe buýt nhưng "mưa không tới chân, nắng không tới đầu".
Công bằng mà nói, những người đi xe buýt ở Việt Nam luôn tràn đầy lòng kiên nhẫn. Tôi cũng từng đi làm bằng xe buýt, nhưng chỉ được một thời gian do thiếu đi sự kiên nhẫn này.
Thời gian gần đây, một số người lại bàn đến việc cấm xe máy. Tôi không phản đối điều này. Ở bất cứ đô thị văn minh nào trên thế giới, xe cá nhân phải bị hạn chế và xe công cộng phải được ưu tiên. Vì thế, tôi rất lấy làm lạ khi vì sao mỗi chiếc xe buýt phải dán dòng chữ: "Xin lỗi vì đã ra vào làn...".
Một phương tiện công cộng, phục vụ số đông lại đi "xin lỗi" là bởi vì sự ích kỷ và ngộ nhận của đám đông. Xe máy, ôtô đi tràn lan, thiếu tính kỷ luật, sẵn sàng lao lên lề đường, lấn làn của xe khác...nên họ cứ nghĩ là "xe buýt tạt đầu", "xe buýt giành đường...".
Xin hãy nhìn đoạn video mà tôi chia sẻ ở trên. Đó là cảnh ghi lại cách thức hoạt động của một tuyến buýt nhanh BRT ở Jakarta. Thủ đô Indonesia là một trong những đô thị kẹt xe tồi tệ nhất thế giới. Thế nhưng, từ đầu năm 2004, họ đã thiết lập hệ thống xe buýt nhanh này rồi.
>> Giao thông Hà Nội tắc ùn - vì đường nhỏ hay lòng người chật hẹp
Hiện nay, toàn thành phố có khoảng hơn 500 xe hoạt động trong khung giờ từ 5h đến 22h, một số tuyến đặc biệt thì hoạt động suốt ngày đêm. Transjakarta đã phủ tới khắp các khu vực của Thủ đô bao gồm 12 tuyến chính với hơn 200 trạm dừng đón trả khách.
Mỗi xe buýt có thể chở tối đa 80 hành khách, dù chỉ có 30 chỗ ngồi nhưng có khoang đứng khá rộng. Các trạm xe bus ở Indonesia thường được liên thông với nhau bằng những con đường riêng dành cho người đi bộ.
Trên đường, ôtô đang bị ùn ứ vẫn chậm chậm chạy, không ai có ý định lấn làn ai. Ở làn đường dành cho riêng mình, những chiếc xe buýt nhanh BRT vẫn vun vút chạy.
Nhớ lại cảnh sáng nay, tôi ao ước một ngày Hà Nội, TP HCM có hệ thống buýt nhanh như vậy, bởi khi xe buýt một mình một cõi, tần suất hoạt động liên lục, lại di chuyển nhanh thì ai còn đi xe máy làm gì?
Ánh Dương
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.