Báo Âu Mỹ nhận định tác phẩm nổi trội ở hạng mục, dù đường đua năm nay được đánh giá khó đoán với nhiều phim hay như Klaus, I Lost My Body, How to Train Your Dragon 3 và Missing Link. Theo New York Times, trở ngại lớn nhất của Toy Story 4 là Oscar hiếm khi chọn một phim phần tiếp theo thắng giải. Tuy nhiên, lần gần nhất điều này diễn ra với chính Toy Story 3 - chứng tỏ cảm tình của họ với thương hiệu này.
Dự án Toy Story 4 từng nhận nhiều hoài nghi lúc bắt đầu phát triển. Rất ít series thành công khi làm đến tập bốn - thường là dấu hiệu cho thấy thương hiệu bị "vắt sữa" quá nhiều. Năm 2010, đạo diễn Lee Unkrich của Toy Story 3 cho biết Pixar (thuộc Disney) không định phát triển phần tiếp theo. Nhưng bốn năm sau, họ công bố phần bốn, khiến dư luận bất ngờ vì cái kết của phần ba (các đồ chơi được chuyển cho chủ mới) được xem là viên mãn.
Trên Variety, biên kịch kiêm đạo diễn John Lasseter khẳng định làm Toy Story 4 không phải để kiếm tiền nhờ ăn theo series mà muốn kể một câu chuyện mới. Nhưng sau đó ông rời vị trí và đến năm 2018 rời Disney do bê bối tình dục. Josh Cooley - lần đầu đạo diễn - phụ trách Toy Story 4.
Ở phim mới, cao bồi Woody (Tom Hanks lồng tiếng) và Buzz (Tim Allen) giúp món đồ hình nĩa tên Forky (Tony Hale) hòa nhập cộng đồng đồ chơi. Tuy nhiên, câu chuyện nhanh chóng mở rộng, tập trung vào hành trình thay đổi và trưởng thành của Woody, mang đến đoạn kết được Indiewire đánh giá xứng đáng với công sức bỏ ra cho tác phẩm.
Trên tờ này, đạo diễn Josh Cooley cho biết rất lo lắng khi trình bày ý tưởng cuối phim: Woody giã từ Buzz và các bạn, ở lại với người yêu Bo Peep. Kịch bản ban đầu để họ đoàn tụ với chủ nhân, nhưng Cooley cảm thấy như vậy quá an toàn. "Tôi lo sẽ bị sa thải do ý của mình chệch khỏi hướng truyền thống. Nhưng đó mới là lý do để làm phim này", anh nói.
Trong buổi gặp ở Pixar, có một khoảng lặng dài sau khi Cooley thuyết phục cấp trên. Lúc đầu, họ không thích Woody bị chia cắt khỏi các bạn nhưng chấp nhận khi Cooley giải thích rõ hơn. Còn Tom Hanks bất ngờ nhưng không phản đối cái kết.
Ý tưởng của Cooley cuối cùng nhận đánh giá cao từ các nhà phê bình - với 97% điểm tích cực trên Rotten Tomatoes. Trang này nhận định tác phẩm nồng ấm, hài hước, kỹ thuật hoạt họa đẹp mắt, đồng thời làm được chuyện rất khó là kéo dài một thương hiệu tưởng chừng đã kết thúc trọn vẹn. Toy Story 4 là phim được đánh giá cao thứ ba trên Rotten Tomatoes trong năm 2019.
Cây bút Matt Zoller Seitz của trang Roger Ebert nói thương hiệu Toy Story mang lại những điều kỳ diệu mới, tiếp tục có sáng tạo dù kéo dài trong khoảng thời gian đủ cho hai thế hệ lớn lên (phần đầu từ năm 1995). Washington Post nói hoạt hình tiệm cận hoàn hảo trong việc cân bằng giữa sự quen thuộc và mới mẻ, hành động và cảm xúc, sự chào đón vui vẻ và chia ly vừa ngọt ngào, vừa đắng cay. Telegraph nhận định phim tái khẳng định vị thế đặc biệt của Pixar trong số các hãng hoạt hình.
Khán giả chấm phim điểm A trên CinemaScore và 7,9/10 ở IMDb. Ở phòng vé, phim đại thắng với 120 triệu USD trong tuần mở màn ở Mỹ, sau đó thu 1,07 tỷ USD toàn cầu. Toy Story 4 là phim thứ tư của Pixar cán mốc tỷ USD, đồng thời góp phần vào sự áp đảo của Disney ở phòng vé năm qua.
Ở mùa giải thưởng, Toy Story 4 có cú bước hụt ở Quả Cầu Vàng, thất bại trước Missing Link. Tuy nhiên, bom tấn nhanh chóng lấy lại vị thế qua chiến thắng ở Critics' Choice Movie Award và PGA Award (giải của Hiệp hội sản xuất Mỹ). Trang GoldDerby (tập hợp ý kiến nhiều nguồn về mùa giải thưởng) đánh giá tác phẩm có triển vọng nhất ở Oscar. Nếu được vinh danh, Toy Story sẽ là thương hiệu đầu tiên đoạt hai giải Oscar hoạt hình. Chiến thắng quan trọng với Disney bởi hãng yếu thế ở mùa giải thưởng năm nay, không có đề cử ở các hạng mục quan trọng như phim xuất sắc, đạo diễn hay diễn xuất. Ngoài ra, phim tranh tài ở giải "Bài hát gốc" với I Can't Let You Throw Yourself Away (Randy Newman).
Lễ trao giải Oscar lần 92 sẽ diễn ra sáng 10/2 (giờ Hà Nội) ở Los Angeles (Mỹ).
* Xem thêm: Các dự đoán Oscar 2020
Ân Nguyễn