Cách đây 8 năm, khi về quê vợ, một người bà con nhờ tôi xin việc cho một đứa cháu. Tôi hỏi thăm thì biết cháu học ở một trường đại học tỉnh nên cũng hơi ngại. Sau này khi hỏi thêm thì tôi mới biết cháu tốt nghiệp loại giỏi, còn chịu khó lên Hà Nội học chứng chỉ quốc tế.
Vậy nên tôi gọi cháu lên Hà Nội và cho vào công ty thử việc. Ba tháng sau cháu vào làm nhân viên chính thức. Hiện giờ vẫn làm tại tập đoàn, lương 40-50 triệu đồng một tháng, đã lấy chồng Hà Nội và sinh con, cuộc sống cơ bản tốt.
Vậy nên tôi rất khó hiểu với những lời than tốt nghiệp đại học loại giỏi nhưng vẫn khó tìm việc, thất nghiệp. Không rõ những bạn sinh viên giỏi này học trường gì, ở đâu? Vậy nên tôi nghi ngờ lời nhận xét các trường đại học chưa thực sự bảo chứng chất lượng lao động.
Sâu xa hơn của chuyện nâng cao chất lượng đại học chính là vấn đề học phí. Nhiều bạn đi làm muốn thu nhập cao nhưng khi con mình đi học, người khác dạy (đi làm) thì muốn họ thu nhập "thấp"? Học phí, như Đại học Bách Khoa Hà Nội chương trình chuẩn từ 23 đến 29 triệu đồng một năm.
Một số trường khác từ 8 đến 20 triệu đồng một năm. Hệ chất lượng cao của một số trường (học bằng Tiếng Anh) là 40-60 triệu đồng năm. Nếu so với du học, nhiều gia đình đang chi trả 1,6 tỷ đồng một năm (cả tiền ăn, ở) cho con du học tự túc tại Mỹ, Canada. Vậy nên tôi thấy học phí đại học ở Việt Nam chưa thực sự quá đắt đỏ.
Hiện giờ, các trường đại học được giao nhiệm vụ tự chủ về tài chính. Tức là nguồn thu của nhà trường chủ yếu từ học phí. Một phần giữ lại để trả lương giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất cho sinh viên.
Việc này sẽ có nhiều mặt tích cực như: Nhà trường sẽ phải thay đổi chất lượng đào tạo để thu hút các sinh viên đăng ký học. Phải cạnh tranh với các trường khác. Nhưng cũng đồng nghĩa với việc hoạt động của nhà trường sẽ vận hành theo cơ chế thị trường.
Trường nào tốt, học phí phù hợp thì nhiều sinh viên đăng ký. Trường có nhiều sinh viên thì có nhiều tiền. Từ đó, trường sẽ có chế độ đãi ngộ tốt với cán bộ nhà trường và giảng viên.
Giảng viên phải có lương cao để thu hút được những người giỏi tham gia vào quá trình đào tạo. Một giảng viên đại học nên có thu nhập tối thiểu là 20 triệu đồng, vì để trở thành một giảng viên không đơn giản như một người công nhân lao động phổ thông.
Trường nào trả lương giảng viên cao thì sẽ có nhiều giảng viên giỏi xin việc.
Vậy nên tôi thấy sự phù hợp ở đây là: Thứ nhất, nếu con chúng ta học giỏi thì nên cho các con học đại học, cao học, du học.
Thứ hai, nếu các con chúng ta học kém thì tìm trường nghề cho các con. Học đại học vẫn là nền tảng tốt để có thể bay xa, vươn xa, trở thành những người thành công trong xã hội. Chỉ khi con học không tốt mới nên lựa chọn học nghề. Tùy vào năng lực của mỗi người mà có các lựa chọn phù hợp.
Dù là thầy hay là thợ, cứ giỏi trong lĩnh vực mà chúng ta chọn là sẽ phát triển được sự nghiệp. Còn trung bình và kém (làng nhàng) thì đại học hay học nghề cũng khó có sự nghiệp tốt.
Hoàng Minh
>> Ý kiến của bạn thế nào về học phí đại học? Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.