Tôi không thể nào quên cảm giác chua xót khi vừa đậu đại học của 14 năm trước. Tôi ở Tiền Giang, đậu một trường đại học ở tỉnh và trường đại học ở TP HCM. Khi gia đình khuyên nên học sư phạm gần nhà để đỡ tiền, tôi đã gật đầu nhưng cũng thầm đau lòng khi nghĩ rằng người ta buồn vì rớt, còn tôi đậu nhưng không được học.
Tôi thậm chí còn âm thầm mua một tờ vé số, cầu được trúng để có tiền đi học. Tôi không cãi gia đình nhưng tôi khóc, cả nhà vì thương nên đã gồng gánh cho tôi lên Sài Gòn.
Học phí lúc đó chỉ tầm 4-6 triệu đồng một năm tùy số tín chỉ đăng kí, nhưng mẹ tôi đã phải đi xa nhà phụ quán cơm, chị tôi làm công nhân ở Sài Gòn, ba tôi thì ở quê làm vườn để họp sức nuôi tôi. Tôi không tưởng tượng được nếu ngày đó không được đi học thì cuộc đời tôi sẽ như thế nào nữa.
Mấy ngày gần đây, thấy học phí của trường tôi học ngày xưa lên tầm 40 triệu một năm, tôi đã rất sốc. Tôi nói với bạn bè rằng nếu ngày xưa với tỉ lệ học phí và mức thu nhập như thế này, chắc chúng tôi đã thất học...
Nhiều người bây giờ giàu lắm, họ có thể đóng tiền tỷ cho con học. Tôi chỉ lo cho học sinh nghèo. Tôi sợ "bộ lọc học phí" sẽ hất văng học sinh nghèo ra khỏi các trường đại học.
Hiện tượng "phổ cập đại học", "đại học là học đại" hay "giấu bằng đại học chạy xe ôm công nghệ" có thể do sự ứng dụng những ở trường không cao, có thể học sinh lúc chọn ngành học chưa đủ hiểu để chọn đúng hướng họ cần đi, nhưng ở xã hội, cơ hội bắt đầu cho những người không qua đại học là bao nhiêu?
Cá nhân tôi theo hướng khoa học, và tôi khẳng định trường đại học là một khởi đầu tốt trong cuộc sống. Đừng đánh đồng việc duy trì sự tự học suốt đời với việc học đại học. Thay vào đó chúng ta có thể kêu gọi định hướng nghề đúng hơn, chú ý học tập trọn đời, nâng cao chất lượng và tính thực tế của giảng dạy...
Nhat Linh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.