Bộ Thương mại cho rằng hiện nay đang là thời điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo, đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp và nông dân cần tỉnh táo không nên tích trữ hàng chờ giá lên cao bởi giá gạo trên thế giới khó có thể tăng cao hơn nữa.
Tổng cục Hải quan vừa chỉ đạo các đơn vị thành viên chủ động đối phó với tình trạng một số nơi ở ĐBSCL đang tranh mua, bán lúa gạo, trốn thuế xuất giá trị gia tăng và gian lận thương mại khi xuất khẩu qua biên giới.
Cục Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp trong nước đã ký hợp đồng xuất khẩu 1,5 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, việc giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long tăng cao khiến nhiều đơn vị đã ký hợp đồng xuất khẩu đứng trước khả năng bị thua lỗ.
Sáng nay, giá lúa đông xuân ở ĐBSCL đã lên mức 2.200-2.500 đồng/kg (tùy loại), tăng thêm 50-100 đồng/kg so với đầu tuần. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn không mua được gạo để xuất khẩu do người dân bán cầm chừng để chờ lên giá.
Theo tin từ Bộ Thương mại, 2 tuần nay, Bắc Kinh đang tìm nguồn nhập từ Thái Lan và Việt Nam do mùa màng thất bát, giá gạo nội địa tăng mạnh. Các chuyên gia nhận định, việc Trung Quốc, vốn là nước xuất khẩu gạo, lại tăng cường nhập khẩu sẽ tác động không nhỏ đến thị trường lương thực toàn cầu.
Tại cuộc họp với các bộ, ngành cuối tuần qua, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán, cân đối nguồn gạo, đảm bảo không để xảy ra khan hiếm do xuất khẩu, đồng thời phải tiêu thụ có hiệu quả mặt hàng này cho nông dân.
Hiệp hội Lương thực cho biết, Philippine vừa công bố VN trúng thầu 410.000 tấn gạo trong tổng số 500.000 tấn gạo được gọi thầu, thời hạn giao hàng từ tháng 3 đến tháng 6.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa thông báo sẽ mua 70.000 tấn gạo của VN để chuyển sang Iraq trong tháng 3. Đây là một phần chương trình viện trợ lương thực cho Iraq mà Mỹ tiến hành sau khi chương trình đổi dầu lấy lương thực kết thúc.
Hôm qua, Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) mở gói thầu mua 500.000 tấn gạo. Trong số 17 công ty tham dự đấu thầu, chỉ duy nhất Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood) là đủ điều kiện chào bán tối đa 300.000 tấn gạo theo quy định của NFA.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực VN, Thái Lan không tham gia phiên đấu thầu 500.000 tấn gạo vào ngày 18/2 tới tại Philippines do vậy gạo VN sẽ có nhiều cơ hội.
Ngoài thị trường truyền thống là châu Á, các đơn vị chuyên doanh lương thực thành phố Cần Thơ vừa xuất sang châu Âu - Phi hơn 20.000 tấn gạo cao cấp - một trong những nỗ lực nhằm tăng giá trị mặt hàng gạo trên thị trường quốc tế.