Giá lúa gạo tăng mạnh nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn. |
Khác với mọi năm, giá lúa tăng và đứng ở mức cao ngay từ đầu vụ, khoảng 1.900-2.000 đồng/kg lúa xuất khẩu và 2.700-2.900 đồng/kg lúa thơm. Nhưng nông dân lại chỉ bán hàng cầm chừng vì theo họ, lúa đông xuân đạt chất lượng cao hơn so với lúa hè thu, có thể dự trữ được 3-6 tháng vẫn tốt. Hiện tượng găm hàng chờ tăng giá của bà con đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thu gom lượng hàng xuất khẩu.
"Nếu tình trạng này không được kiểm tra, ngăn trặn xử lý kịp thời, tình hình này sẽ tác động đến các tỉnh phía Bắc khiến giá lúa có thể tăng thêm 300-400 đồng/kg vào thời gian tới", một đại diện của Cục Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) nói với VnExpress.
Cuối năm ngoái, các nhà xuất khẩu đã ký hợp đồng trên 1 triệu tấn gạo, trong đó có 623.000 tấn theo hợp đồng lớn. Cụ thể Iraq đặt mua 400.000 tấn, Brazil 150.000 tấn, Philippines 73.000 tấm với giá trung bình 185 USD/tấn ( loại 5% tấm).
Theo Cục nông nghiệp, hiện trên 70% diện tích trồng lúa ở ĐBSCL đã bước vào vụ thu hoạch với sản lượng ước đạt 8,3 triệu tấn thóc/ha. Tuy nhiên đến nay, lượng gạo thu gom xuất khẩu mới đạt gần 30.000 tấn (bằng 1/2 so với kế hoạch) trong khi giá mua gạo từ nông dân đã lên tới 200 USD/tấn (loại 5% tấm), vượt quá mức ký trong hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Hiệp hội lương thực VN cho rằng, cứ năm nào nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước tăng cao là y như rằng năm đó, giá gạo thế giới leo thang ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trong nước. Do vậy, các doanh nghiệp bằng mọi cách phải xác định được nguồn cung, cầu để quyết định ký các hợp đồng và ấn định lượng, giá, thời điểm giao hàng nhằm hạn chế bán "hớ" để rồi phải bù lỗ.
Minh Khuyên