Giá gạo xuất khẩu khó có thể tăng thêm nữa. |
Nhận định này được đưa ra trên cơ sở phân tích những diễn biến cung cầu trên thị trường. Trong vài tháng tới, Ấn Độ, một trong những nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, sẽ xuất khẩu gạo và việc này sẽ làm cho nguồn cung tăng lên và hạn chế đà tăng giá.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan mới đây cũng đã tiến hành xem xét khả năng tung gạo ra thị trường bán cho các nhà xuất khẩu nhằm kiểm soát tình trạng tăng giá lúa hiện nay trên thị trường nội địa. Hiện Chính phủ Thái Lan có tới 1,8 triệu tấn gạo tồn kho, phần lớn là loại gạo 5% tấm và dự báo có thể trong tháng 5 Thái Lan sẽ bán gạo tồn kho ra thị trường. Quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới này dự kiến sẽ bán ra thị trường thế giới tới 8,5 triệu tấn gạo trong năm nay, một mức kỷ lục so với lượng gạo đã xuất năm 2003 là 7,6 triệu tấn.
Nhu cầu nhập khẩu gạo lớn của Trung Quốc cũng sẽ không kéo dài. Việc nhập khẩu chỉ là giải pháp tình thế do trong 5 năm qua, sản lượng lương thực của nước này sụt giảm khiến cho lượng gạo tồn kho xuống mức thấp và họ buộc phải nhập khẩu gạo để tái xuất theo các hợp đồng đã ký với các nước châu Phi và một phần để sử dụng trong nước. Trong khi đó, Pakixtan cũng đã chính thức tiếp cận với Chính phủ Trung Quốc, xin giấy phép để có thể xuất khẩu gạo sang nước này trong thời gian sớm nhất.
Bộ Thương mại cảnh báo các doanh nghiệp và nông dân nhớ tới sự thất bại trong mùa vụ trước: khi giá cao ở cuối năm 2002 thì giữ lại tới gần 500.000 tấn để sang đầu năm 2003 giá tụt dốc mới ồ ạt xuất. Và thay vì thu được khoảng gần 120 triệu USD từ cuối năm 2002, các doanh nghiệp chỉ thu được khoảng 25 triệu USD (chưa tính đến các chi phí lưu kho, bảo quản và hao hụt).
Theo tin từ Trung tâm Thông tin Thương mại, tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng từ 2 đến 5 USD/tấn so với tuần trước. Hiện loại gạo 5%, 15% và 25% tấm đang được các doanh nghiệp Việt Nam chào bán với mức giá lần lượt là 223, 212, 207 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu tăng cao đã kéo giá gạo nguyên liệu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng vọt. Các nhà kinh doanh gạo Việt Nam như ngồi trên đống lửa bởi những hợp đồng ký từ cuối năm 2003 và đầu 2004 đã đến kỳ giao hàng nhưng giá đầu vào vẫn cao hơn giá bán. Để đảm bảo uy tín với khách hàng, các doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận mua giá cao, đảm bảo giao hàng đúng thời hạn, mặc dù hiệu quả kinh tế không có hoặc lỗ vốn.
Trong khi các nhà kinh doanh gạo không có đủ nguồn hàng xuất khẩu thì ở các tỉnh phía Nam nhiều hộ nông dân lại tích trữ hàng chờ giá lên. Trung tuần tháng 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức khảo sát 300 hộ nông dân trồng lúa ở tỉnh Kiên Giang theo kiểu chọn ngẫu nhiên. Kết quả là hầu hết nông dân đều còn lúa hàng hóa, nhưng chưa bán mà giữ lại và chỉ bán khi cần hoặc khi lúa lên giá.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm gạo cung ứng xuất khẩu cũng đang có xu hướng tích trữ lúa gạo.
(Theo TTXVN)