Giá lúa tăng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. |
Theo ông Lê Hưng Quốc, Cục trưởng Cục Nông nghiệp, nếu như năm ngoái, vào thời điểm này, doanh nghiệp mua gạo để xuất khẩu với giá bình quân 2.600 đồng/kg (loại 25% tấm) và 2.800 đồng/kg (loại 5% tấm); thì hiện nay giá gạo trên đã tăng lên tương ứng 2.900-3.000 đồng/kg (25% tấm) và 3.200-3.300 đồng/kg (loại 5% tấm).
"Hiện tượng tăng giá đột biến này trong vụ đông - xuân đã khiến người nông dân nở mày nở mặt, vì chưa bao giờ họ trúng mùa, được giá như vậy", ông Quốc nói. Chưa kể, trong vòng một tuần trở lại đây, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của VN đã ký một loạt hợp đồng xuất khẩu 410.000 tấn gạo cho Philippines rồi việc Mỹ chấp thuận nhập khẩu gạo VN cho Iraq... cũng góp phần khiến cho giá gạo tăng từng ngày.
Song các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại tỏ ra không mấy thích thú gì khi giá tăng đột ngột. Bởi hầu hết các hợp đồng xuất khẩu gạo ký năm ngoái với giá cũ đã đến kỳ hạn giao.
"Khi giá lúa, gạo tăng bình quân 200-500 đồng/kg như hiện nay, doanh nghiệp nếu vẫn tiếp tục duy trì hợp đồng thì chỉ có thể bù lỗ" - ông Quốc ước tính - "Bình quân mỗi kg gạo xuất khẩu, doanh nghiệp lỗ 100-300 đồng".
Lẽ thường, vào chính vụ đông - xuân, lúa thu hoạch nhiều, giá lúa giảm, các doanh nghiệp mới thu mua lúa để phục vụ xuất khẩu cho những hợp đồng cũ. Nhưng nay, khi giá lúa tăng, các doanh nghiệp vẫn phải mua để thực thi hợp đồng đã ký.
Đại diện Công ty Lương thực Miền Bắc than thở: "Khó khăn không thể kể hết". Ngay khi giá lúa tăng cao, công ty ngừng ký ngay lập tức các hợp đồng để tránh lỗ. Còn các hợp đồng đã ký từ trước đó, phải huy động tối đa nguồn hàng dự trữ, số còn lại buộc phải nhập vào với giá cao.
"Lô hàng mà chúng tôi xuất gần đây nhất là tới hai thị trường truyền thống Cuba và Iraq với tổng số gần 38.000 tấn, trừ đi các khoản chi phí thì may ra thì hoà vốn", vị đại diện này nói với VnExpress.
Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Đồng Tháp Mười cũng đang lao đao với hợp đồng xuất khẩu 500 tấn gạo mới ký. Hạn giao đã tới gần, nhưng đơn vị này mới chỉ thu gom được một lượng hàng khiêm tốn, dù đã phải mua với giá 3.350 đồng/kg (loại 5% tấm).
Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng, sở dĩ giá lúa tăng là do nhu cầu gạo của các nước cao trong khi nhiều người dân đang giữ lúa để chờ tăng giá. Bên cạnh đó, các tỉnh biên giới của Trung Quốc đang đẩy mạnh nhập khẩu gạo Việt Nam với số lượng khá lớn; dẫn tới có không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ đã ráo riết đổ quân về ĐBSCL mua lúa, khiến giá lúa tăng vùn vụt...
Ông Quốc cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các doanh nghiệp tạm ngưng ký các hợp đồng xuất khẩu gạo giao trước tháng. Đồng thời cảnh báo các đơn vị nên thận trọng với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên thế giới. "Đầu năm, Indonesia, quốc gia nhập khẩu gạo lớn trong khu vực, tung thông tin "hạn chế nhập khẩu gạo". Nghe vậy, các doanh nghiệp hoảng, lo mất thị trường, đua nhau ký với giá rẻ, bán cho bất kỳ ai. Đùng một cái, nước này lại công bố "sẽ nhập gạo trong trường hợp khẩn cấp với số lượng lớn". Giá gạo lại lên vùn vụt... Nhưng các doanh nghiệp đã trót ký giá rẻ mất rồi", ông nói.
Vị quan chức này cũng thêm vào: "Mới đây không phải ngẫu nhiên Thái Lan, cường quốc xuất khẩu gạo, để VN thắng thầu 410.000 tấn gạo vào Philippines... Rất có khả năng họ dự đoán giá gạo còn tiếp tục tăng để tạm "náu mình" chờ thời và trữ hàng".
"Các doanh nghiệp cần có sự đồng thuận với nông dân để có một hợp đồng giá tốt nhất, bảo đảm lợi cho đôi bên", ông Quốc nói.
Huyền Minh