Khi hơn 100.000 binh sĩ Nga tập trung ở ba hướng gần biên giới Ukraine tháng trước, nhóm cố vấn khuyên Tổng thống Volodymyr Zelensky phản ứng kiềm chế. "Tuyệt đối bình tĩnh", cố vấn an ninh quốc gia nói ngắn gọn với Zelensky trong một cuộc điện thoại.
Một ngày sau, Tổng thống Zelensky phát biểu trên truyền hình, nói rằng nguy cơ chiến tranh lần này không lớn hơn bất kỳ thời điểm nào khác kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Tuyên bố mà Zelensky đưa ra trái ngược với loạt động thái cảnh báo của Mỹ rằng Nga sắp phát động một cuộc chiến tổng lực vào Ukraine.
Đây là chiến thuật mà Zelensky, tổng thống 44 tuổi vốn là diễn viên hài và không có kinh nghiệm chính trị trước khi đắc cử, lựa chọn cho nỗ lực ngăn chặn nguy cơ tấn công của Nga, cũng như né tránh phản ứng quá mức của Mỹ. Mắc kẹt giữa hai cường quốc ngày càng xung khắc, Zelensky tin rằng có thể ngăn chặn một cuộc chiến bằng cách riêng của mình.
Câu hỏi mà nhiều người Ukraine đặt ra là liệu lựa chọn của ông, chọn lối đi riêng giữa hai thái cực, có đúng đắn hay không.
Chính sách của Ukraine với Moskva trở nên cứng rắn hơn kể từ khi Zelensky nhậm chức vào năm 2019, nhưng vẫn duy trì mức độ ôn hòa nhất định. Ông chỉ đối đầu với Điện Kremlin trên một số lĩnh vực, nhưng vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao. Ông cũng nỗ lực để Ukraine không chịu ảnh hưởng quá lớn từ các cường quốc phương Tây.
Zelensky là tổng thống thứ sáu của Ukraine, quốc gia mắc kẹt giữa cạnh tranh Washington - Moskva kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mỹ và đồng minh đang cáo buộc Nga tập trung lực lượng quân sự để có thể mở chiến dịch tấn công Ukraine "bất cứ lúc nào".
Nga bác bỏ cáo buộc này, khẳng định mọi động thái điều quân trên lãnh thổ đều hợp pháp và chỉ nhằm mục đích tự vệ trước các động thái gia tăng hiện diện quân sự của NATO ở sườn đông. Nga cũng đưa ra một loạt đề xuất an ninh với phương Tây, trong đó nổi bật là yêu cầu NATO cam kết không kết nạp Ukraine làm thành viên.
"Ông ấy muốn thể hiện sự quyết tâm và bình tĩnh bởi mối đe dọa từ Nga cũng gây ảnh hưởng tới nền kinh tế Ukraine", William Taylor, đại sứ Mỹ tại Ukraine dưới thời chính quyền tổng thống George W. Bush và Barack Obama, nói. "Mặt khác, ông ấy phải thể hiện sự bình tĩnh và quyết tâm trước áp lực từ Putin".
Biden đã điện đàm với Zelensky không lâu sau khi cảnh báo về mối đe dọa ngày càng tăng của Nga, theo quan chức Mỹ. Khi Tổng thống Ukraine cho rằng mối đe dọa này "không có gì thay đổi" từ năm 2014, Biden tỏ ra không đồng tình, nói rằng quân đội Nga đang hiện diện ở phía nam Belarus, cách không xa biên giới Ukraine, đặt ra mối đe dọa tiềm tàng với Kiev.
Tổng thống Zelensky vẫn tin khó có khả năng xảy ra cuộc tấn công và lo ngại những cảnh báo công khai của Mỹ về nguy cơ tấn công đang giúp khuếch đại nỗ lực của Nga nhằm gây bất ổn cho Ukraine và nền kinh tế nước này, theo những nguồn tin thân cận.
Các đồng minh của Tổng thống Ukraine nói rằng ông là một người sắc bén, sáng tạo và đã nỗ lực rũ bỏ hình ảnh "ngây thơ chính trị" khi nhậm chức vào năm 2019, nên ông giờ đây có thể đàm phán thỏa thuận hòa bình với Putin. Họ cho rằng cách tiếp cận của Zelensky đã phát huy hiệu quả và lưu ý rằng đồng hryvnia của Ukraine đã ổn định.
Vào tháng 1, ngân hàng trung ương Ukraine đã bơm hơn 1 tỷ USD để củng cố giá trị đồng tiền này. Quân đội cũng hết lòng ủng hộ Zelensky, người đã thúc đẩy chi tiêu quân sự và cam kết tăng lương cho binh sĩ, theo các quan chức Ukraine.
Tuy nhiên, những người phản đối nói rằng Zelensky hão huyền và ngày càng bị cô lập. Người tiền nhiệm và hiện là lãnh đạo phe đối lập Petro Poroshenko tháng trước tuyên bố Zelensky đang "lóng ngóng tìm cách phản ứng" trước động thái điều quân của Nga. Tháng trước, khi Zelensky gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, hàng nghìn người ủng hộ Poroshenko đã biểu tình phản đối cuộc điều tra của Kiev đối với cựu tổng thống.
Giới chức Mỹ cho biết Tổng thống Biden từng lưu ý trong các cuộc trao đổi riêng rằng Zelensky đang đối mặt với những thách thức lâu dài như tình trạng tham nhũng trong nước, căng thẳng với Nga và phong trào đối lập lên cao. Washington đã cố gắng xoa dịu căng thẳng giữa Zelensky và Poroshenko nhưng chưa thành công.
Khi Zelensky đắc cử năm 2019, Putin không gọi điện chúc mừng. Sau ba tháng Putin im lặng, Zelensky quyết định điện đàm với người đồng cấp Nga. "Ông ấy tin chắc mình có thể đạt thỏa thuận với Putin", một cựu cố vấn nói.
Zelensky và Putin năm 2019 nhất trí về một thỏa thuận trao đổi tù nhân. Tổng thống Ukraine nhận ra rằng Điện Kremlin vẫn sẽ đàm phán ít nhất một số điều, trong khi Putin hiểu ông có thể kiểm soát một phần khả năng thực hiện các cam kết tranh cử của Zelensky.
Trong khi đó, quan hệ giữa Ukraine với Mỹ trở nên căng thẳng. Sau khi Kiev không thể thuyết phục chính quyền Obama cung cấp tên lửa chống tăng Javelin, cựu tổng thống Trump năm 2017 miễn cưỡng chấp thuận chuyển giao số vũ khí đó cho chính quyền Poroshenko. Tuy nhiên, Trump đã dừng các hình thức viện trợ quân sự khác vào năm 2019, đồng thời thúc giục Zelensky theo đuổi cuộc điều tra về Biden cùng các hoạt động của con trai ở Ukraine.
Khi Zelensky lần đầu gặp Trump tại New York vào tháng 9/20219, tổng thống Mỹ khuyên người đồng cấp tìm kiếm thỏa thuận với Putin, người mà ông đánh giá là thông minh.
Không lâu sau, Nga, Ukraine và phe ly khai nhất trí mở đường thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk ký năm 2015. Thỏa thuận này đã ngăn chặn các cuộc giao tranh quy mô lớn, dù không thể giúp chính phủ Ukraine tái kiểm soát các khu vực ly khai. Đây được xem là tiến bộ lớn đầu tiên của thỏa thuận trong nhiều năm, báo hiệu hòa bình ở miền đông Ukraine có thể vẫn đạt được dù vẫn còn xa vời.
Nhưng làn sóng phản đối ngày càng gia tăng ở Kiev. Hàng nghìn người biểu tình cáo buộc Zelensky yếu đuối. Phe đối lập chính trị và giới bình luận truyền thông cho rằng Putin đã đánh bại Tổng thống non trẻ của Ukraine.
Zelensky phải đối mặt với nhiều chỉ trích. Trong một phát biểu trên truyền hình, ông nói sẽ không có chuyện "đầu hàng" hay ký thỏa thuận nào mà không có sự đồng thuận của công chúng. Điều này khiến Putin công khai hoài nghi về quyết tâm thực hiện thỏa thuận của ông.
Các cựu cố vấn nói Zelensky đã rút ra được bài học từ sự việc này. Ông thúc đẩy đàm phán nhưng với giọng điệu cứng rắn hơn. Tháng 11 năm đó, cuộc họp giữa Zelensky với Putin và lãnh đạo Pháp, Đức đã không đạt được thời gian cụ thể cho lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine. Tổng thống Zelensky và các cố vấn bắt đầu công khai nói về kế hoạch B nếu hòa bình không được thiết lập trong vòng một năm.
Nga đồng ý trao đổi thêm tù nhân và công ty khí đốt của Nga đã trả cho Ukraine 2,9 tỷ USD để giải quyết các khoản nợ phí vận chuyển khí đốt. Nhưng các cuộc đàm phán kết thúc khi Zelensky cho rằng mục tiêu của Putin là giành quyền định đoạt tương lai Ukraine.
"Đó là quá trình trưởng thành", Taylor nó. "Ông ấy hiểu Putin khó có thể đàm phán và người dân Ukraine quan tâm tới Donbas".
Trong khi đó, mối quan hệ với Washington vẫn bế tắc, khi quan chức Ukraine cố gắng không bị kéo vào cuộc bầu cử ở Mỹ. Sau khi Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, hội đồng cố vấn của Zelensky đã liệt Viktor Medvedchuk, một nhà lập pháp có tư tưởng thân Nga và có mối quan hệ thân thiết với Putin, vào danh sách trừng phạt và cấm ba kênh truyền hình của ông.
Zelensky sau đó ký sắc lệnh khởi động sáng kiến ngoại giao với tên gọi Nền tảng Crimea, nhằm thực hiện các bước hướng tới giành lại bán đảo từ Nga. Moskva bắt đầu tức giận.
Với cáo buộc Zelensky xây dựng lực lượng "chống Nga", Moskva bắt đầu tổ chức các cuộc tập trận quanh Ukraine, với hàng chục nghìn binh sĩ tham gia. Putin chỉ rút bớt lực lượng sau khi Biden nhất trí tham dự hội nghị thượng đỉnh hai bên.
Trong hội nghị thượng đỉnh, Biden nhất trí không áp đặt biện pháp trừng phạt với đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga tới Đức. Nếu đường ống hoạt động, Nga có thể cắt giảm dòng khí đốt đến châu Âu qua ngả Ukraine. Giới chức Ukraine lo ngại điều này sẽ gây thiệt hại lớn cho nước này.
Động thái của Mỹ khiến Zelensky thất vọng. Ông bắt đầu thúc đẩy mạnh mẽ mục tiêu gia nhập NATO. Liên minh để ngỏ cơ hội cho Ukraine từ năm 2008 nhưng không thiết lập mốc thời gian cụ thể. Zelensky không ảo tưởng rằng Ukraine sẽ được mời làm thành viên, nhưng muốn "phơi bày sự thiếu chân thành của phương Tây" qua động thái này, theo các cựu quan chức.
Đến cuối năm ngoái, Nga tiếp tục tập trung lượng lớn binh sĩ gần biên giới Ukraine. "Putin nhận thấy quyết định của Mỹ về Nord Stream 2 là một điểm yếu và bắt đầu khai thác", cựu cố vấn của Zelensky nói.
Vào tháng 1, Washington tăng cường cảnh báo và đặt hàng nghìn lính Mỹ trong tình trạng báo động cao, khi cho rằng các cuộc tập trận của Nga ở Belarus có thể tiềm ẩn mối đe dọa với cả Ukraine và khu vực Đông Âu.
Zelensky lập luận rằng Mỹ đã hiểu sai tình hình. Chính quyền của ông tỏ ra khó chịu với quyết định cho phép gia đình nhân viên ngoại giao và nhân viên không thiết yếu Mỹ rời khỏi Kiev, mang tới cảm giác thủ đô Ukraine sắp sụp đổ như Kabul mấy tháng trước, theo các quan chức cấp cao Ukraine. Những cảnh báo và động thái gây lo ngại của Mỹ cùng một số nước khác đã khiến nhiều nhà đầu tư rút vốn khỏi Ukraine.
"Chúng tôi không có bất kỳ hiểu lầm nào đối với Tổng thống Biden", Zelensky nói tháng trước. "Chỉ là tôi hiểu sâu sắc những gì đang xảy ra ở đất nước tôi, như cách mà Biden hiểu về nước Mỹ", ông nói.
Xem thêm:
-Thế trận của Nga quanh Ukraine
-Ba tháng khủng hoảng Nga - Ukraine tăng nhiệt
Thanh Tâm (Theo WSJ)