"Lập trường phản đối sử dụng bom, đạn chùm của Đức hợp lý hơn bao giờ hết. Nhưng trong tình hình hiện nay, chúng ta không nên ngăn cản Mỹ", Tổng thống Frank-Walter Steinmeier nói hôm 9/7, đề cập tới việc Mỹ viện trợ đạn chùm cho Ukraine.
Tổng thống Đức nói nếu "không còn vũ khí tự vệ", đó sẽ là dấu chấm hết với Ukraine. Ông cho biết thêm Đức phải tiếp tục "sát cánh cùng nạn nhân" trong cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay.
Phát ngôn viên chính phủ Đức trước đó nói rằng việc Mỹ gửi bom, đạn chùm tới Ukraine là "quyết định khó khăn" và cáo buộc Nga cũng đã sử dụng vũ khí này ở Ukraine.
123 quốc gia, trong đó có Đức, đã ký Công ước Oslo cấm sản xuất, tàng trữ, bán và sử dụng bom, đạn chùm vào năm 2008. Ông Steinmeier khi đó đại diện Đức ký cam kết trên với tư cách ngoại trưởng. Mỹ, Nga và Ukraine không tham gia ký kết.
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 9/7 công bố chi tiết gói viện trợ quân sự mới 800 triệu USD cho Ukraine, trong đó có Đạn Thông thường Cải tiến Đa dụng (DPICM) hay còn gọi đạn chùm. DPICM là đạn pháo hoặc đầu đạn tên lửa được thiết kế nhằm phát tán bom con, đạn con để phát nổ trên khu vực rộng lớn, phá hủy xe tăng, thiết giáp và gây thương vong với lính bộ binh.
Kế hoạch này của Mỹ khiến nhiều nước châu Âu bối rối. Pháp, Anh phản đối sử dụng bom, đạn chùm, nhưng cũng bày tỏ sự thấu hiểu về quyết định của Mỹ khi giúp đỡ Ukraine. Các tổ chức nhân quyền lo ngại đạn chùm sẽ gây thương vong cho dân thường.
Giới chuyên gia phương Tây đánh giá DPICM có thể giúp Ukraine đối phó hiệu quả hơn với mạng lưới hầm hào và bãi mìn dày đặc của Nga, vốn đang gây thiệt hại nặng nề và cản bước chiến dịch phản công được chờ đợi từ lâu của Kiev. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cam kết sẽ không nã đạn chùm vào "lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận".
Trong khi đó, Nga nhận định quyết định viện trợ đạn chùm cho Ukraine là "hành động tuyệt vọng và thể hiện sự yếu đuối của Mỹ", trong bối cảnh "cuộc phản công của Ukraine trên thực tế đang thất bại dù được quảng bá rầm rộ".
Ngọc Ánh (Theo AFP)