Tôi rất vui khi thấy nhiều người đang bàn theo xu hướng tích cực trong hôn nhân. Tiêu chuẩn chọn vợ chồng của chúng tôi khá giống nhau - bằng cấp học vấn tương đương, ứng xử văn hóa tương đương, nghề nghiệp thu nhập ổn định, cha mẹ anh chị em hòa thuận, không vướng vào tệ nạn xã hội. Còn chuyện tôi học bằng cấp thứ hai và cô ấy học đến tiến sĩ là do chúng tôi có cơ hội thăng tiến, nếu không chẳng ai chịu bỏ công đi học đâu. Tự đào tạo chuyên môn vốn có thôi đã muốn mệt rồi.
Trước hôn nhân, làm sao biết đối tượng có tiêu chuẩn như thế nào và có đáp ứng được tiêu chuẩn của mình không? Người ta hẹn hò nhau như nào mình cũng như thế nhưng phải để ý quan sát nhau.
Những tiêu chuẩn ấy khá chung chung, cơ bản là bạn phải thăm dò bằng hành động. Đưa nhau đi xem phim, xem kịch, đi mua sách... xem xong thì đi uống nước và bàn nội dung của cái mà ta vừa xem. Chênh lệch học vấn và văn hóa sẽ thể hiện ra ngay.
Tranh luận những thứ này chính là để thăm dò nhau về thái độ của đối tượng trong cuộc sống sau hôn nhân. Đây gọi là tìm hiểu nhau cũng chính là lựa chọn của bạn.
>> Vợ chồng 'mây tầng nào gặp mây tầng đó'
Vợ chồng tôi quen nhau là do mai mối, tức là có người quen của hai bên giới thiệu và sắp xếp một cuộc gặp mặt. Người ta chỉ giúp đến thế thôi, con đường phía sau chúng tôi phải tự đi. Những cuộc gặp mặt như này diễn ra khá nhiều lần với mỗi người trước khi chúng tôi gặp nhau. Đa phần ngay lần gặp đầu tiên đã hỏng. Rất nhiều nguyên nhân.
Đầu tiên là ngoại hình không phù hợp. Tôi cao 1m78, nặng 65kg thì tôi cần một cô gái cao trên 1m60 (bà xã của tôi cao 1m65). Tiếp theo là nhan sắc. Có câu "không có người phụ nữ xấu chỉ có người phụ nữ không biết cách làm đẹp". Con gái tuổi đôi mươi không biết cách làm đẹp cũng thôi, gần 30 tuổi mà vẫn không biết cách thì thua. Bà xã của tôi nếu để mặt mộc thì không được gọi là đẹp còn nếu make-up tốt thì vẫn được bảy điểm.
Tiếp đến là nhân cách, cá tính. Đến trễ không biết xin lỗi còn nại ra đủ thứ lý do. Ăn mặc thiếu nghiêm túc lịch sự - bạn ăn mặc như nào là thể hiện sự tôn trọng của bạn với người mà bạn sẽ gặp. Nói chuyện thiếu cởi mở hoặc quá bỗ bã. Nhiều lắm, đủ thứ nguyên nhân. Những nguyên nhân này đa phần chúng tôi rút được từ trong những quyển sách - tôi đọc gần nghìn tựa sách thì cô ấy cũng vài trăm quyển, đa phần là sách ngoại văn.
Nếu mọi thứ đều chấp nhận được, "đạt chuẩn" thì tiến tới thăm dò nghề nghiệp, gia đình họ hàng hai bên của nhau. Cuối cùng là tôi phải ngỏ lời với cô ấy. Xong thì tiến tới đám cưới. Từ lần đầu tiên gặp nhau đến khi cưới hỏi chỉ mất ba tháng. Sao nhanh vậy? Mỗi người đều có vài cuộc tình thất bại, hàng chục cuộc gặp mặt không thành công, nhiêu đó còn chưa đủ kinh nghiệm sao? Mỗi người đều tốt nghiệp ra đi làm năm, sáu năm, tiếp xúc không biết bao nhiêu người - đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới, khách hàng, bạn bè... - còn không có mắt nhìn người sao ? Gần 30 cái xuân xanh rồi chứ có phải thanh niên mới lớn đâu mà nũng na nũng nịu kiếm chuyện hờn dỗi nhau.
Nhiều khi tôi cũng không hiểu được có những cặp yêu nhau bảy, tám năm mà mới kết hôn chưa được một năm đã ly hôn. Chả hiểu quãng thời gian thật dài ấy họ đã tìm hiểu nhau như thế nào. Những cuộc tình ngang trái, những cuộc hôn nhân đổ vỡ đều xuất phát từ sự dễ dãi của người trong cuộc trong thời gian tìm hiểu nhau ấy.
>> Tôi tự tin sống độc thân trong căn nhà 80m2
Trong họ hàng hai bên cũng có những cuộc hôn nhân đổ vỡ ấy và chúng tôi đều biết vì sao họ đổ vỡ. Xin kể vài ví dụ: Anh chị gặp nhau qua vài lần hẹn hò thì đưa nhau ra phòng trọ "khám" và "phá" nhau. Rồi cưới hỏi. Một năm sau đã có con. Lục đục cãi cọ nhau thế nào lại dẻ ra thêm đứa nữa. Đứa thứ hai mới ẵm ngửa thì anh chị lôi nhau ra tòa.
Chuyện khác: Anh thề sống thề chết lấy cho bằng được chị, bất kể hai bên gia đình ngăn cấm, rời nhà ra ngoài thuê nhà trọ để sống với người mình yêu. Gia đình hai bên buộc phải cho cưới. Chưa được nửa năm, ly hôn. Nhiều lắm, nếu lấy thêm ví dụ từ bạn bè, đồng nghiệp. Họ yêu nhau chỉ bằng trái tim, bằng sự lãng mạn nhưng họ quên mất gia đình cần khối óc, cần lý trí. Rồi họ cho rằng tình yêu là tất cả.
Tình yêu trước hôn nhân chỉ là sự hấp dẫn lẫn nhau về mặt giới tính. Tình yêu sau hôn nhân mới toàn vẹn, bao gồm cả giới tính và trách nhiệm với gia đình.
Trong hai ví dụ trên, người thứ nhất tuyên bố không lấy vợ nữa, một mình nuôi hai đứa con, trở thành "bố đơn thân". Người thứ hai sau vài năm nguôi ngoai đã tìm được "nửa kia" của anh và có một cuộc sống khá hạnh phúc, đến nay đã gần 10 năm.
>> Phụ nữ 30 tuổi còn độc thân vì cái tôi quá lớn
Kết luận, dễ dãi khi tìm hiểu nhau là đánh bạc cuộc đời. Yêu nhau lắm cắn nhau đau. Yêu nhau cho nhau lời nói ngọt ngào, ra tòa chỉ trích thói xấu của nhau cả ngày không hết. Tòa hỏi, anh chị đã tìm hiểu thói xấu của nhau trước hôn nhân chưa và có chấp nhận được thói xấu ấy không? Câu trả lời luôn là sự im lặng. Rồi người ta tìm cách chia sẻ thói xấu của đối phương với mọi người.
Có người sẽ bảo, hoàn cảnh cuộc sống đa dạng lắm, khó nói trước được đâu. Chính xác, nhưng, ít nhất ta phải nắm được hiện tại và tương lai gần làm chỗ dựa cho tương lai xa hơn chứ còn buông xuôi mặc cho ngẫu nhiên may rủi chính là đánh bạc.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Lâm