Cùng với việc sống khép kín, tôi vô tình trở thành cái gai trong mắt rất nhiều bạn nữ. Họ tìm mọi cách để cô lập tôi, để bài trừ tôi, và họ đã thành công. Tôi từ đó trở nên căm ghét trường học vì sợ, thật sự đáng sợ.
Tôi đến trường vì nghĩa vụ và thật sự không hiểu vì điều gì họ lại dùng thái độ tàn nhẫn ấy, rắc lên tôi. Và sau này tôi hiểu đó cũng là một dạng bạo lực học đường.
Tuổi học trò của tôi là những mảng tối của nước mắt pha trộn với những bất an và cả sự sợ hãi. Tôi không may mắn như các bạn cùng trang lứa khi không được sống với bố mẹ từ năm tuổi.
Gia đình tôi rất nghèo đói, mẹ phải bỏ tôi và em trai để tới một miền đất lạ tha hương suốt 12 năm ròng. Bố tôi lúc đó vùi đầu vào công việc chỉ dư đủ thời gian để nghỉ, thương con nhưng không thể lo toan và giáo dục con được. Chị em tôi mỗi đứa một nhà, mẹ tôi gửi chúng tôi cho các dì nuôi nấng, cứ 3 năm, 4 năm ở một nhà.
>> Tôi sống mòn chục năm vì trầm cảm
Lúc vui vẻ không sao, lúc khó khăn, áp lực, chị em tôi cũng là cái gai trong mắt họ, đôi lúc cũng bị phân biệt đối xử ngay giữa mâm cơm vì một miếng thịt kho. Không thiếu những cái Tết hai chị em ôm nhau khóc giữa đêm giao thừa vì nhớ mẹ. Không thiếu những lúc tủi thân thèm mâm cơm đoàn tụ cùng gia đình. Không thiếu những lần tan trường đi bộ dưới mưa khóc như đứa trẻ bị cướp đi viên kẹo ngọt nhất vì các bạn đều được bố mẹ đứng trước cổng trường đợi đón, còn tôi thì không.
Bố luôn hứa sẽ đón chúng tôi về nhà thật sớm. Vậy nên để kiếm tiền xây nhà, bố đã lao vào công việc tới mức thừa chết, thiếu sống. Tôi đã lớn lên trong một tuổi thơ như vậy, nên tôi rất thèm khát được yêu thương, thật sự là thèm khát.
Và tôi nhớ, đã có lần dưới cơn mưa phùn, mắt kính bị mưa tạt vào khiến tôi không nhìn rõ đường đi, tôi đã dừng xe lại, tạt vào một góc bên đường và khóc rất lớn. Không một ai dừng lại, không một ai bên cạnh, người ta lướt qua tôi, rất nhanh.
Trên con đường mòn ngày mưa ấy, chỉ có tôi bất lực khóc, chỉ có tiếng mưa rơi tát vào mặt và tiếng khóc giữa màn đêm, và tôi thật sự như đang cầu cứu chính cái thế giới mà tôi đang sống rằng : "Mọi người có thể yêu thương con nhiều hơn một chút có được không?".
Gần như tất cả các giáo viên đều hiểu rất rõ xuất phát điểm của tôi, họ có vẻ chú tâm tôi hơn các bạn. Vô tình chính điều đó đã khiến tôi liên tiếp gặp phải cơn ác mộng của tuổi học trò. Giáo viên càng nâng đỡ, càng đối đãi tốt với tôi, tôi càng bị ghét. Cộng với việc tôi sẵn sàng đánh nhau với những người luôn mỉa mai vào hoàn cảnh gia đình mình, tôi không giống ai, tôi lại càng bị ghét.
Thật sự tâm hồn tôi đã bị tổn hại rất nhiều, tôi đã khóc rất nhiều, tôi đã sợ cả thế giới và từng bị rối loạn nhận thức vào những ngày tháng học trò bị cô lập. Giờ nghĩ lại tôi vẫn chưa khỏi bàng hoàng, nó vẫn là một nỗi đau, một vết xước dài trong lồng ngực.
Thật tốt vì tôi đã đi qua nó bằng một cách nào đó! Những kí ức đẹp nhất về tuổi học trò mà tôi có là những ngày tháng miệt mài luyện thi đầu vào và trở thành thủ khoa trường cấp 3. Là những chặng nước rút luyện thi học sinh giỏi tỉnh cùng giáo viên dạy văn, đây cũng chính là người giáo viên đầu tiên ảnh hưởng lớn đến nhân cách và giá trị đạo đức của tôi sau này.
Tuổi học trò của tôi nếu đẹp thì có lẽ cũng chính là những lần tôi đau khổ gục ngã khóc ở góc sân trường thì có vài ba người bạn đến bên tôi để xuýt xoa nâng đỡ. Tôi ghim vào lòng mình những người đã chạy đến bên tôi lúc đó, những khuôn mặt đó, họ là ai? tên gì? Tôi nhớ rất rõ và chưa bao giờ bỏ sót một ai.
Có những lần đạp xe tới trường, một kẻ cô lập, một mình một con đường, thật sự nó khốc liệt và kinh khủng đến mức tôi sợ sống, tôi đã gục ngã, đã có lúc thực sự gục ngã. Tôi đã khóc trên đường băng, con đường đến trường luôn ngập tràn nước mắt và đầy những sự đấu tranh. Nhưng rồi tôi không muốn chết, đó là những ngày tháng u ám và trầm cảm, nhưng tôi không muốn chết.
Từ trong thâm tâm - bằng những cái lì mà mình có, trong những năm tháng mệt mỏi ấy, tôi đã bấm chí để dành lấy những thành tích học tập xuất sắc nhất, tôi không muốn bị xem thường, tôi cực ghét thứ cảm giác đó.
Không được có thêm bất kì một ai nữa cười nhạo tôi. Muốn thay đổi thái độ và cách nhìn của người khác vào mình thì chỉ còn cách duy nhất là thay đổi và nâng giá trị bản thân lên bằng việc khổ luyện. Kể từ lúc tôi nhận ra việc càng áp lực và càng bị khinh rẻ, tôi càng trở nên bứt phá, càng trở nên liều lĩnh mà xông lên.
>> Vì sao người mắc bệnh trầm cảm thường tìm đến cái chết?
Và có lẽ áp lực, cô lập, đau khổ, tất cả những điều đó tạo nên tôi, tạo nên chúng ta của bây giờ. Cuộc chiến mà chúng ta đang đánh vào ngày hôm nay sẽ phát huy toàn bộ sức mạnh mà chúng ta cần vào ngày mai. Mọi nghiệt ngã và đớn đau đều không đến một cách vô nghĩa nếu chúng ta không từ bỏ cuộc đời của chính mình.
Tôi muốn nhắn gửi với các bạn, những người đang đọc tới những dòng tâm tư này vài lời nhắn nhỏ. Sẽ không một ai thương hại chúng ta khi ta cô độc, chỉ có ta mới thương lấy chính ta. Và cũng đừng sống chỉ để cần sự thương hại vì chúng ta xứng đáng với những giá trị tinh thần lấp lánh hơn nhiều. Sẽ không tránh khỏi những lần chán sống, sẽ không tránh khỏi những cơn đau buốt mà muốn từ bỏ, sẽ không tránh khỏi những vết cào xé của quá khứ mà nức nở xót xa.
Trên đời này sẽ có cả những con người ta chưa kịp gặp họ đã kịp ghét, sẽ có những con người ta chưa kịp thành công họ đã ra sức ngáng đường vùi dập. Tôi đã đọc một câu nói rất hay: "Tôi thấy tiếc cho họ, những người sống dưới khả năng của mình. Không cố gắng phấn đấu để trở thành phiên bản tốt nhất của mình". Rồi đến lúc sức cùng, lực kiệt, tiếc nuối hóa hư không.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
An Thảo