(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng quan điểm với VnExpress.net)
Khi nghe thông tin về tình hình cách ly bắt buộc đối với những người nhập cảnh vào Việt Nam, tôi cũng có chút lo lắng. Báo chí đã đưa rất nhiều tin và hình ảnh về sự hy sinh của những người lính và các em sinh viên "màn trời chiếu đất", những lực lượng phục vụ cho những người cách ly. Tôi muốn tường thuật cho quý vị nghe về những gì đang thực sự diễn ra ở những khu cách ly.
Ba mẹ chồng tôi sang Australia du lịch, đến lúc phải về, nghe mấy tin đồn cách ly ở trong nước nên cũng ngồi rầu rĩ. Người ta hò nhau "đừng có đem hành lý ký gửi về, bị tịch thu hết, bị lấy đồ hết đó". Rồi người ta còn loan tin điều kiện cách ly tồi tệ này kia khiến những người chuẩn bị về nước như chúng tôi càng thêm thấp thỏm.
Vài ngày trước khi có lệnh cách ly bắt buộc đối với tất cả hành khách nhập cảnh Việt Nam, tôi thấy trên mạng xã hội, người ta đua nhau xin thùng carton khẩn cấp để các em sinh viên đi "sơ tán" gấp, nhường chỗ cho người cách ly. Tôi cũng tự hỏi, không biết các em sơ tán đi đâu được đây?
Ngày 24/3 là chuyến cuối từ Australia về. Mấy ngày trước đó, các chuyến bay đã đầy chỗ, và hãng hàng không quốc gia là hãng bay cuối cùng đưa người về Việt Nam. Mọi người được tạo điều kiện tối đa để được về cho kịp giờ. Về đến sân bay, thức ăn được bày la liệt cho những ai đói có thể lấy ăn. Mọi người được hướng dẫn làm thủ tục rõ ràng theo tiêu chí nhanh - gọn - lẹ, và nguyên chuyến bay được đưa đến ký túc xá Đại học Quốc Gia ngay sau đó.
Trước khi nhận phòng, hành lý được khử trùng toàn bộ. Người đâu của đó. Ngày đầu tiên, mỗi người được nhận 14 bịch dầu gội, 14 bịch sữa tắm có thương hiệu. Tôi nghĩ vui trong bụng, sao người ta không dùng loại mà các khách sạn hay cung cấp cho rẻ tiền? Và cả bàn chải đánh răng, khăn mặt... tất cả những gì thiết yếu cho sinh hoạt.
Mỗi ngày, chúng tôi còn được phát hai chiếc cái khẩu trang y tế, thứ quý như vàng lúc này. Tất cả người cách ly đều được "cơm bưng nước rót" tận phòng, đồ ăn có đùi gà, canh khổ qua... (đựng trong hộp, ăn xong thì bỏ luôn) no đến căng bụng. Chúng tôi có wifi miễn phí để xài, tha hồ lướt mạng giết thời gian.
Mỗi ngày, chúng tôi được đo thân nhiệt hai buổi. Tôi thấy mình được phục vụ "tận răng", không khác gì đi nghỉ dưỡng hai tuần. Ấy vậy mà trên mạng xã hội, vẫn có những người "ác mồm ác miệng" đồn đại về chuyện người ta ùn ùn đi tiếp tế lương thực, vật dụng cho con em, thậm chí có người vác cả tủ lanh và nệm vào vì trong này thiếu thốn đủ thứ. Chỉ ở có hai tuần, sao làm quá lên vậy? Mới cách ly đã vậy thì khi có thiên tai địch họa chắc không sống nổi mất.
Sao những người này không nghĩ tới những lực lượng đang gồng mình phục vụ người thân của họ, những sinh viên, tình nguyện viên, y, bác sĩ, chiến sĩ phải trải thùng carton ra nằm ngủ ngoài trời vạ vật vì con em họ? Nghĩ mà thương dân mình, ai nói gì nghe đó. Nghĩ mà thương nước mình, giật gấu vá vai. Hy vọng người ta đoàn kết, sẻ chia để Việt Nam vượt qua cơn đại dịch này.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Ginna Trinh