Tôi đến với chứng khoán từ hồi còn là sinh viên, khoảng 10 năm trước. Hồi đó, cứ mỗi tháng nhận nhuận bút, tôi lại trích ra một khoản nhỏ để mua chứng khoán. Mục đích ban đầu không phải để làm giàu hay đầu tư mà đơn thuần là muốn trải nghiệm. Dần dần nó trở thành kênh tích góp và đầu tư của tôi. Đã có lần, tôi bán chứng khoán với phần chênh lệch giá vốn đến 70-80%. Những năm đó chứng khoán còn rất hiếm người chơi. Và người ta vẫn nghĩ rằng, đây chỉ là sân chơi dành cho dân có tiền, giới nhà giàu, kếch xù mà thôi. Nhưng đó là suy nghĩ sai lầm.
Tôi đã mua từng block 10 cổ phiếu với thị giá tầm 30-40 nghìn đồng mỗi cổ phiếu. Tích tiểu vẫn tiểu, chưa thể thành đại được. Nhưng nói vậy để thấy rằng, sàn chứng khoán Việt Nam từng rất "bình dân học vụ" như vậy. Chỉ cần có kiến thức và kinh nghiệm là có thể tham gia. Tùy mục đích lướt sóng hay đầu tư lâu dài để chọn chiến lược mua vào - bán ra phù hợp.
Gần đây, Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE, thuộc Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam) đã có quyết định nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu. Tôi cũng đã bị ảnh hưởng ít nhiều, bởi bản thân chỉ là một nhà đầu tư nhỏ lẻ. Có thể thấy, nếu tài sản sở hữu dưới 100 cổ phiếu cho cùng một mã chứng khoán thì xem như mất yếu tố thanh khoản bởi không thể giao dịch. Có một số nơi chấp nhận thu mua chứng khoán lô lẻ nhưng đa số là không. Trước đây, chứng khoán lô lẻ được hiểu là dưới 10. Tôi thường bán các lô lẻ này. Giờ mọi chuyện đã khác.
Cách đây vài ngày, tân tổng giám đốc của HOSE, Lê Hải Trà vừa có đề xuất táo bạo là nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu để giảm nghẽn hệ thống. Tôi như tiếp tục ngồi trên đống lửa. Bởi nếu đề xuất ấy thành hiện thực thì ước muốn sở hữu các bluechip gần như tan biến. Giả dụ, thị giá của một mã cổ phiếu hiện hơn 77 nghìn đồng mỗi cổ phiếu. Muốn mua chúng, tôi phải chi 77 triệu đồng. Tài sản của tôi có 300 cổ phiếu mã này, xem như chỉ hy vọng bán được qua kênh giao dịch khác. Con số này sẽ rất lớn nếu giao dịch với các mã đang có thị giá cao ngất như VNM, VJC, VIC, VHM, MWG... Tức là phải chi hơn 100 triệu mỗi giao dịch lô 1.000.
>> Tôi lãi hơn 65% sau một tháng đầu tư chứng khoán
Chàng sinh viên năm xưa, nếu sống ở hiện tại, hẳn sẽ không còn cơ hội thực hành, gia tăng hiểu biết về lĩnh vực này nữa, vì con số đầu tư quá lớn. Trong khi thị trường chứng khoán các nước tiên tiến đang giảm số cổ phiếu giao dịch một lần xuống rất thấp để thu hút vốn vào chứng khoán thì ở Việt Nam lại làm ngược lại. Singapore đã giảm lô từ 1.000 xuống 100 từ năm 2015 với kỳ vọng này. Philippines cho phép lô chẵn quy định theo giá cổ phiếu.
Hiện tại, thị trường chứng khoán trong nước còn rất nhiều nhà đầu tư có quy mô nhỏ hoặc vừa. Họ đa phần chưa đủ vốn tích lũy để đầu tư lớn hơn cho bất động sản hoặc các tài sản giá trị lớn khác. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận của chứng khoán chưa phải quá tốt. Hai yếu tố này kèm theo việc phải tăng số cổ phiếu cho một lần giao dịch sẽ càng kéo giảm sức hấp dẫn của thị trường, không thu hút được nhà đầu tư mới. Nếu đề xuất được thông qua, những nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ phải tìm cơ hội khác, nhường lại sân chơi này cho người giàu.
Có thể tôi sẽ học mẹ và bà đi mua vàng tích lũy, hơn là "phiêu" cùng chứng khoán. Tôi mua dần, sau cũng có cả lượng vàng, có khi bán ra tỷ suất lợi nhuận còn cao hơn chứng khoán. Đồng thời, các kênh đầu tư nhỏ lẻ khác sẽ được dịp nở rộ. Dòng tiền hoàn toàn có thể chuyển dịch sang các sản phầm đầu tư không chính thống, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội.
Về quan điểm giảm nghẽn hệ thống, tôi cho rằng chưa thật sự thuyết phục. Chúng ta đang ở thời đại số hóa với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thì chuyện này dường như không khó. Nhà đầu tư vẫn chi trả các phí giao dịch như thường lệ. Đồng thời, tôi cũng rất không ủng hộ luận điểm "theo thông lệ quốc tế" bởi chúng ta có nền tảng và môi trường khác với thế giới. Chúng ta cũng nên có những lựa chọn cho phù hợp với chính mình.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vốn dĩ đã tăng giảm rất khó hiểu, không theo quy luật thế giới. Vậy thì sao cứ phải gò ép theo thế giới làm gì? Do vậy, trước khi tính toán nâng giao dịch lên 1.000 cổ phiếu mỗi lần giao dịch thì nhà đầu tư muốn thấy được hình hài hệ thống giao dịch lô lẻ trước, để không còn bị trói tay buộc chân như hiện tại.
>> Bạn nghĩ sao về đề xuất nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.