Đánh giá về giải pháp hạn chế thuốc lá, rượu bia , độc giả Quang cho rằng cần nâng thuế với những mặt hàng này để hạn chế tiêu thụ: "Thuốc là và rượu bia cần bị nâng thuế lên sao cho giá một gói thuốc và mỗi lon bia ở mức 200.000 đồng. Ai đủ tiền thì hút và uống, còn không sẽ phải cai và bỏ. Tác hại của thuốc lá là quá rõ, nó ảnh hưởng trực tiếp cho người hút và gián tiếp cho người xung quanh hít phải khói thuốc (hút thuốc thụ động).
Rượu, bia cũng vậy, ai cũng nhìn thấy tác hại. Đây là hai thứ hàng hóa độc hại, cần đánh thuế thật cao để giảm thiểu tác hại cho xã hội. Một người có thể hút vài gói thuốc và uống cả thùng bia mỗi ngày vì giá rẻ. Đó chính là vấn đề khiến nạn hút thuốc, nhậu nhẹt vẫn tràn làn khó kiểm soát".
Đồng quan điểm, bạn đọc Khiếu Ngoan phân tích thêm: "Đánh thuế thật mạnh, tăng giá bán thuốc lá thật cao (có thể ở mức của GDP bình quân/ người/ tháng) để mỗi khi mua một bao thuốc lá, người mua sẽ luôn phải đắn đo suy nghĩ rằng họ sẽ phải đánh đổi rất nhiều nhu yếu phẩm cần thiết khác. Đó là động lực để chính họ có thể giảm, bỏ thuốc lá.
Tôi còn nhớ, hồi nhỏ, nhà tôi cũng trồng thuốc lào để bán (theo hướng canh tác chung của làng), và bố cũng là một tay cừ về thuốc lào. Về sau này, làng chuyển hướng canh tác, không trồng thuốc lào nữa, bố tôi để dành cả mấy bao tải lớn để hút dần, thế rồi cũng hết.
Thời ấy, kinh tế khó khăn, ăn chỉ tạm đủ no, chưa nói gì tới việc con cái không có tiền đóng học. Bố tôi luôn trằn trọc, dằn vặt, suy nghĩ, và đó chính là động lực để ông quyết tâm bỏ thuốc, dành tiền cho con cái ăn học. Và bố đã làm được, làm rất tốt. Nhờ thế, ba anh chị em chúng tôi đều tập trung học tập thật tốt, luôn làm bố mẹ vui và tự hào".
Nhấn mạnh tầm quan trọng của biện pháp tăng thuế với thuốc lá, rượu bia, độc giả Lê khẳng định: "Chừng nào một bao thuốc, một lon bia còn có giá rẻ hơn một ổ bánh mỳ thì chứng ấy người dân còn hút, còn nhậu. Ngay cả một người thợ bốc vác, chạy ăn từng bữa cũng có thể dễ dàng mua được bao thuốc để phì phèo mỗi ngày thì rõ ràng mọi biện pháp hạn chế thuốc lá khác đều trở nên vô nghĩa. Việc thả nổi mua bán thuốc lá, rượu bia rồi loay hoay tìm giải pháp xử phạt chẳng khác nào thả gà ra đuổi.
Chúng ta cần nghiêm túc đánh giá lại việc áp thuế đối với những loại mặt hàng này. Thậm chí, ta hoàn toàn có thể đánh thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt với những mặt hàng có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia. Khi người dân không còn thoải mái tiếp cận những mặt hàng đó, việc quản lý và xử phạt sẽ dễ dàng và khả thi hơn nhiều".
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.