Xung quanh vụ việc "Tài xế bị phạt 7 triệu đồng vì uống một chén rượu thuốc", nhiều độc giả VnExpress bày tỏ sự đồng tình với quyết định xử phạt của CSGT:
Bản thân tôi nghĩ nếu đã là luật thì nên làm đúng, đừng vì viện cớ rượu thuốc, vì uống rượu trước khi lái xe nghĩa là bạn đã phạm quy.
Sao biết người này uống rượu thuốc? Tôi uống một lon bia rồi tôi nói là tôi uống rượu thuốc có được không? Đối với tôi, uống một hay 1/2 lon bia mà bị phạt thì cũng không hợp lý lắm, nhưng luật là luật, mọi người có nghĩa vụ tuân thủ.
Uống rượu trị bệnh thì đợi thuốc ngấm, hết rượu rồi hãy chở vợ con đi công việc. Tôi nghĩ đây là một suy nghĩ rất đơn giản. Nếu công việc cần kíp thì tìm người khác hoặc dịch vụ thay thế, cố làm gì để rồi gây tai nạn hoặc làm khó cho cơ quan chức năng?
Máy đo nồng độ cồn không thể phân biệt và cũng không có nghĩa vụ phân biệt rượu thuốc hay rượu thường, nếu đã vi phạm thì vui vẻ chấp nhận. Rượu thuốc không nhất thiết phải uống gấp trước khi lái xe, nên tìm thời gian thích hợp để uống nó. Tôi có một ông anh họ, ngày nào cũng uống rượu thuốc ngâm, uống hết ly này đến ly khác. Tôi thấy nếu cho rượu thuốc vào trường hợp ngoại lệ sẽ rất nguy hiểm.
Rượu gì thì cũng là rượu, rượu thuốc ngâm cũng có nồng độ cồn từ 30-40 độ, tương đương các loại rượu khác, nên uống rượu thuốc cũng bị xử phạt là hoàn toàn chính xác. Chúng ta cần nâng cao nhận thức và định nghĩa là luật cấm mọi thứ có nồng độ cồn, chứ không chỉ cấm riêng rượu vang, rượu trắng hay bia. Tất cả đồ uống có cồn đều bị cấm.
Bên cạnh đó, không ít ý kiến ủng hộ Nghị định 100, cho rằng không cần thiết phải có một mức sàn nhất định để xử phạt:
Chắc gì anh kia uống một chén. Ai bị dính chẳng tự giảm số lượng mình xuống, nên tốt nhất là không uống. Không là không, khỏi lằng nhằng ít nhiều. Nếu đưa một con số như 100 đơn vị thì cả triệu người sẽ lại nhảy vào hỏi là sao biết 100 đó tương đương mấy chén? Việc cấm dứt điểm là hoàn toàn phù hợp.
Cách đây hai năm, tôi và một bạn người Đức uống một cốc bia ở phố cổ. Sau đó, cậu ta nhất định gửi xe máy lại và đi taxi về. Ý thức là thứ cần phải dần thông suốt rồi đến lúc chủ động. Nhiều người vẫn chưa hiểu hoặc cố tình không hiểu để phản đối luật mặc dù nó tốt đẹp cho xã hội.
Việt Nam đang làm triệt để ở mức "0" tôi nghĩ là do số lượng uống bia rượu khi lái xe quá trầm trọng. Cứ mạnh tay, triệt để, để tập cai luôn chứ không vin cớ có tỷ lệ cho phép rồi tạo tâm lý vấn vương, khó dứt điểm. Phạt nặng tiền lẫn lao động công ích, thậm chí đi tù và tịch thu bằng lái khi uống rượu lái xe là điều đúng đắn. Về sau, luật cũng có thể tách ra một số trường hợp có thể gọi chung là loại cồn vô hại chẳng hạn, sẽ không bị phạt, miễn là dưới mức quy định ở ngưỡng nào đó an toàn tối đa. Thực ra, ăn trái cây tươi mà nhỡ có chất cồn thì cũng chẳng ai bị phạt, luật rồi cũng sẽ có những quy định riêng sau khi đã ổn định được tình hình trật tự.
Nếu có một mức sàn, sẽ có nhiều người tự tin vào tửu lượng của mình mà uống. Rồi cũng có lúc, vì lý do nào đó mà uống quá sức khi bản thân không hề hay biết. Vào bàn tiệc không thể nói là "tôi uống cho đến khi chạm ngưỡng tỉnh táo thì ngưng". Do đó, dứt khoát không uống sẽ dễ xử lý hơn. Định lượng chứ không định tính. Tôi thấy luật như vậy là rõ ràng minh bạch.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.